Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bắc Quang, Giúp Nhà Nông Gắn Bó Cây Trồng Vụ Đông

Bắc Quang, Giúp Nhà Nông Gắn Bó Cây Trồng Vụ Đông
Ngày đăng: 06/11/2014

Nhiều năm trở lại đây, việc trồng cây vụ Đông trên địa bàn huyện Bắc Quang đã dần tạo thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ khi cây vụ Đông khẳng định tính hiệu quả cao về mặt kinh tế, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động nông thôn, thời điểm nông nhàn. Đặc biệt, vụ Đông năm nay, huyện Bắc Quang lần đầu tiên triển khai cơ chế đầu tư có thu hồi đối với cây vụ Đông. Điều này như một “cú hích” quan trọng, giúp nông dân thêm gắn bó với cây trồng vụ Đông.

Bằng việc có kế hoạch thực hiện trồng cây vụ Đông ngay từ đầu năm để các xã, thị trấn đảm bảo đúng khung lịch thời vụ đã giúp huyện Bắc Quang bước vào sản xuất vụ Đông một cách thuận lợi. Thời điểm này, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện đã phủ màu xanh non của ngô cùng các loại rau vụ Đông, với tổng diện tích là 1.527 ha (đạt 76,4% so với kế hoạch).

Trong đó, có 584,1 ha diện tích trồng ngô và 942,9 ha đất trồng các loại rau, đậu; riêng với 218,27 ha lúa, hoa màu của 13 xã, thị trấn như: Đức Xuân, Tân Quang, Kim Ngọc, thị trấn Vĩnh Tuy,... bị mất trắng do ảnh hưởng của hoàn lưu Bão số 3 hồi tháng 9 vừa qua, huyện Bắc Quang đã thực hiện giao 3.274 kg các loại giống ngô lai và ngô nếp để người dân khắc phục, trồng trên chính diện tích bị ảnh hưởng từ bão, với tổng kinh phí hỗ trợ là 372,34 triệu đồng.

Cùng với đó, đây là năm đầu tiên huyện Bắc Quang triển khai cơ chế đầu tư có thu hồi đối với cây trồng vụ Đông tại 4 xã: Đồng Tâm, Quang Minh, Hùng An và Tiên Kiều. Theo đó, 28,3 ha ngô vụ Đông của các xã đã được huyện đầu tư 424,5 kg ngô giống và 5.345 kg phân bón với tổng số tiền lên đến 132,9 triệu đồng.

“Số tiền trên sẽ được huyện thu hồi khi kết thúc vụ Đông. Điều này, một mặt tạo điều kiện thuận lợi về giống, phân bón để người dân chủ động thực hiện sản xuất vụ Đông.

Một mặt tạo nên sự gắn bó của người dân với cây trồng vụ Đông khi họ hiểu, họ cần tạo ra lợi nhuận kinh tế để hoàn trả số tiền được hỗ trợ ban đầu. Từ đó, phá vỡ tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước; xây dựng được tính chủ động, tích cực và linh hoạt của người dân khi thực hiện trồng cây vụ Đông”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Đinh Văn Minh chia sẻ...

Để cây trồng vụ Đông năm 2014 thêm thắng lợi, trước đó, các phòng chuyên môn của huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn nhiều biện pháp kỹ thuật thâm canh đồng bộ và trồng cây vụ Đông đúng thời vụ, nếu không đảm bảo thời vụ, khuyến cáo người dân không thực hiện để tránh tình trạng thiếu kiểm tra, đôn đốc dẫn đến lỡ vụ. Do vậy, cây ngô Đông (chủ yếu là giống ngô lai NK4300, NK66 và ngô nếp HN88, MX6, MX10); cà chua, dưa chuột, trên địa bàn huyện đã được nông hộ trồng hoàn... thành trước ngày 10.10. Và ngày 25.11 tới, su hào, cải bắp sẽ “cán đích” kế hoạch trồng cây vụ Đông của huyện.

Về xã Hùng An thời điểm này, nhiều ruộng lúa Mùa dần chuyển thành những luống đất chạy dài, tạo nên cánh đồng xanh màu rau su hào, bắp cải, cà chua và các loại đỗ,...

Anh Linh Hồng Quang (thôn Tân Hùng) chia sẻ: “Vì neo người nên mỗi vụ, gia đình tôi chỉ trồng khoảng 600m2 cây vụ Đông nhưng đã thu về từ 6 đến trên 10 triệu đồng/vụ. Do đảm bảo đúng khung lịch thời vụ ngay từ đầu năm nên vụ Đông, gia đình tôi sẽ có những lứa rau cho thu hoạch sớm, được bán ra thị trường với giá cao mà người tiêu dùng lại ưa chuộng.

Ví như, bình quân mỗi củ su hào đầu vụ đạt từ 5-6.000 đồng/củ, gia đình tôi phấn khởi lắm”. Cũng theo anh Quang, thời điểm này, nếu không trồng cây vụ Đông để tăng thu nhập thì lao động nông thôn sẽ thiếu việc làm. Vì lúa Mùa thu xong, chưa thể trồng vụ lúa tiếp theo; việc thu hoạch chè của bao hộ đã ở giai đoạn cuối vụ còn vườn cam sành chưa cho thu hoạch.

Do vậy, việc trồng cây vụ Đông đã cùng lúc giải quyết được bài toán tăng thu nhập cho nông hộ khi ít có khoản thu nhập thời điểm cuối năm, mà nhu cầu chi tiêu cho cuộc sống thì cao. Đồng thời, giúp nhiều lao động địa phương có thêm việc làm khi nông nhàn...

Thời điểm này, trên nhiều cánh đồng của huyện Bắc Quang, dù sáng tinh sương hay khi trời ngả tối, vẫn là bóng dáng người nông dân cần mẫn trồng, chăm sóc cây vụ Đông thêm màu xanh tốt. Vì với họ, vụ Đông đã dần trở thành vụ chính trong năm, không chỉ góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất trên một đơn vị diện tích đất canh tác mà còn mang lại giá trị kinh tế cao...


Có thể bạn quan tâm

Từng Bước Gầy Dựng Tên Tuổi Trái Cây Đặc Sản Từng Bước Gầy Dựng Tên Tuổi Trái Cây Đặc Sản

Vĩnh Long là tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn thứ hai ở ĐBSCL. Nhờ có lợi thế về thổ nhưỡng, nằm giữa vùng đất phù sa sông Tiền và sông Hậu nên cây ăn trái ở đây nổi tiếng ngon, mẫu mã đẹp và đa dạng về chủng loại.

09/12/2013
Cần Thận Trọng Phát Triển Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Cần Thận Trọng Phát Triển Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng

Năm 2013, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng tăng nhanh và nhiều nông dân thả nuôi liên tục nhiều vụ trong năm. Nguyên nhân là do người nuôi tôm thẻ chân trắng được mùa, trúng giá với lợi nhuận mỗi vụ tới 500-700 triệu đồng/ha.

30/12/2013
Cải Tạo Đất Bằng Cách Bơm Bùn Cải Tạo Đất Bằng Cách Bơm Bùn

Khóm Cầu Đúc từng nổi danh một thời, giúp nhiều hộ nông dân ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) ăn nên làm ra, tuy nhiên những năm gần đây do giá khóm không ổn định, đất bạc màu cộng với bệnh chết bụi khá phổ biến, làm cho người trồng khóm ở Hỏa Tiến gặp không ít khó khăn.

09/12/2013
Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản Những Bước Đi Khởi Sắc Nghề Nuôi Trồng Thủy Sản Những Bước Đi Khởi Sắc

Do đặc điểm địa hình, đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều vùng trũng, chỉ cấy được một vụ lúa/năm nhưng năng suất bấp bênh, hay bị ngập úng, dẫn đến người nông dân thường bỏ ruộng.

30/12/2013
Để Nghề Nuôi Chim Yến Phát Triển Để Nghề Nuôi Chim Yến Phát Triển

Những năm gần đây, số lượng chim yến đến với Thanh Hóa ngày càng tăng, đã góp phần tạo ra một nghề mới - nghề nuôi chim yến lấy tổ của người dân ở những vùng ven biển của tỉnh.

30/12/2013