Bắc Ninh Hiệu Quả Từ Các Mô Hình Trồng Nấm

So với nhiều trang trại trồng nấm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh như Yên Phong, Thuận Thành, Gia Bình hay Lương Tài, cơ sở sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu của chị Trần Thị Bình ở thôn Bái Uyên, xã Liên Bão và hộ anh Đoàn Trọng Duẩn thôn Tử Nê, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du được đầu tư rất bài bản, quy mô và hiệu quả.
Do hoàn cảnh gia đình, anh Đoàn Trọng Duẩn tốt nghiệp Đại học Bách Khoa chuyên ngành Công nghệ sinh học và từng làm việc tại công ty Thực phẩm Orion Vina quyết định từ bỏ tất cả để thực hiện ước mơ được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Tình cờ biết đến nghề trồng nấm từ một đồng nghiệp ở Bắc Giang, ngay sau khi tham gia lớp dạy nghề trồng nấm do Trung tâm Dạy nghề huyện Tiên Du tổ chức, anh Duẩn đã bắt tay vào làm thử 600 bịch nấm sò.
Khởi đầu gặp muôn vàn khó khăn về vốn và kỹ thuật nên một số bịch nấm thường xuyên bị bệnh dẫn đến năng suất chưa được cao. Anh Duẩn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống lò hấp thanh trùng nguyên liệu để xử lý sạch nguồn nguyên liệu đưa vào sản xuất.
Tháng 8-2013 sau khi xây dựng xong hệ thống lò hấp thanh trùng nguyên liệu anh quyết định đóng 500 bịch nấm sò, 600 bịch nấm tai cốc và chân dài, 700 bịch nấm linh chi, sau hơn 3 tháng chăm sóc và nuôi dưỡng cho năng suất khá, trừ chi phí gia đình anh lãi 40 triệu đồng.
Anh Duẩn cho biết: Để có lứa nấm thành công thì tất cả các giai đoạn từ nguyên liệu đóng thành bịch đến cấy mô đều phải được khử trùng xử lý các mầm bệnh. Sau khi đóng gói nguyên liệu sẽ được đưa vào lò hấp thanh trùng. Những bịch mùn cưa được hấp trong 12 giờ với nhiệt độ khoảng 1000C. Sau đó đưa ra, chờ nguội hẳn mới cấy mô. Cấy được một ngày thì chuyển vào trại để chăm sóc.
Nấm đậu hay không có thể biết được sau một tuần theo dõi. Nếu nấm chuyển sang màu đen thì xem như bỏ đi. Từ khi đầu tư hệ thống lò hấp, số bịch nấm bị bệnh, hỏng hầu như không còn". Được biết, sắp tới anh tiếp tục đầu tư xây dựng khu chứa nguyên liệu và đóng bịch lên quy mô 200m², khu nuôi sợi 2 nhà mỗi nhà 400m² để mở rộng và hoàn thiện cơ sở sản xuất của mình.
Cũng đến với nghề trồng nấm từ lớp dạy nghề của Trung tâm Dạy nghề huyện Tiên Du, chị Trần Thị Bình thôn Bái Uyên (Liên Bão) trồng nấm từ tháng 8-2012. Được sự tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật của các chuyên gia nấm của Viện Di truyền nông nghiệp, gia đình chị trồng thử để lấy kinh nghiệm 600 bịch nấm sò, 700 bịch nấm Linh Chi, 200 bịch nấm sò hương, 6 tạ rơm để làm nấm rơm... Ban đầu, trang trại nấm của chị mang lại kết quả nhất định, là tiền đề để gia đình tiếp tục mở rộng quy mô của trang trại.
Chị Bình cho biết hiện nay trang trại được mở rộng với tổng diện tích 1000m², trong đó có đầy đủ các hạng mục như khu chứa, xử lý nguyên liệu, nhà đóng bịch với hệ thống lò hơi thanh trùng, nhà nuôi mộc nhĩ, nấm sò, linh chi… Vào vụ nấm năm nay, gia đình chị tiếp tục đóng được 10.000 bịch nấm sò, 12.000 bịch nấm mộc nhĩ và 5.000 bịch linh chi. Nhờ sử dụng lò hơi vào sản xuất nguyên liệu nên cơ sở của chị đã hạ giá thành nguyên liệu, tạo độ đồng đều về chất lượng nguyên liệu, giảm rủi ro sản xuất.
Với việc áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đồng thời tận dụng được rơm, rạ sau thu hoạch, nghề trồng nấm đang phát triển và cho thấy sự phù hợp với huyện Tiên Du nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung.
Hơn nữa, đây là công việc vừa đem lại thu nhập cao, vừa góp phần tạo việc làm cho một bộ phận nhỏ lao động nông thôn. Sản xuất nấm không chỉ tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường nông sản, mà còn góp phần xử lý một lượng lớn rơm, rạ sau thu hoạch, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Sự mạnh dạn đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật của hộ gia đình anh Duẩn và chị Bình ở Tiên Du vào sản xuất nấm là một điểm sáng cho những hộ trồng nấm khác trong tỉnh đến thăm quan và học tập.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 4/9/2015, Bộ NN và PTNT tổ chức cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh XK nông lâm thủy sản do Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì. Đại diện VASEP, Phó Tổng thư ký Nguyễn Hoài Nam đã báo cáo về tình hình XK thủy sản 8 tháng đầu năm và kiến nghị giải pháp thúc đẩy thủy sản, đặc biệt trong bối cảnh nông sản nói chung và thủy sản nói riêng đang chịu trong vòng xoáy về điều chỉnh mặt bằng giá xuống thấp.

Từ đầu vụ cá nam đến nay, sản lượng khai thác cá cơm của ngư dân Phan Thiết (Bình Thuận) đạt năng suất cao. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho những người trực tiếp đánh bắt, mà các cơ sở sản xuất nước mắm cũng phấn khởi vì có đủ nguyên liệu cho vụ muối chượp 2015.

Huyện ủy - UBND huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau - chi nhánh Bạc Liêu về việc chuẩn bị khai trương, kế hoạch sản xuất, kinh doanh sau khi chi nhánh đi vào hoạt động.

Lợn Hương có đặc điểm gần giống với lợn Móng Cái, thân ngắn tròn, săn chắc, lông dài, đuôi nhỏ, mõm thuôn dài, bốn chân nhỏ và chắc, giữa trán có đốm trắng, đầu và gốc lưng đuôi khoang đen đặc trưng.

Từ đầu năm đến nay, giá heo thấp khiến người chăn nuôi gặp khó. Bà Trần Ngọc Châu, chủ trang trại chăn nuôi heo ở ấp Đông, xã Hòa Long (TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, hiện nay giá heo xuất chuồng bán cho các thương lái chỉ có giá 43.000 - 44.000 đồng/kg, gặp những con heo mỡ nhiều, thương lái ép giá chỉ mua với giá 41.500 đồng/kg; giảm từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. Trong khi đó, giá các loại thức ăn cho heo chỉ giảm ít, thậm chí có nhiều loại không giảm.