Bắc Ninh Công Bố Dịch Cúm Gia Cầm

Dịch cúm gia cầm xuất hiện chủ yếu trên đàn vịt có quy mô lớn của các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn 4 huyện, thị xã… của Bắc Ninh.
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn các xã có dịch. Trong khi đó, dịch cúm cũng đang có nguy cơ xảy ra trên đàn gia cầm tại nhiều địa phương khác trong cả nước.
Tại tỉnh Bắc Ninh, dịch cúm gia cầm xuất hiện chủ yếu trên đàn vịt có quy mô lớn từ vài trăm đến vài nghìn con của các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn 4 huyện, thị xã, thành phố gồm: huyện Yên Phong, Tiên Du, thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, UBND tỉnh đã công bố dịch tại 4 điểm dịch. Ông Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi phát hiện dịch cúm, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ hóa chất và vaccine cúm gia cầm H5N1 để các địa phương phun tiêu độc khử trùng tại các điểm có dịch và tiêm phòng cho các vùng xung quanh ổ dịch, những nơi có nguy cơ cao; lập chốt trạm kiểm soát, không cho buôn bán gia cầm ra ngoài ổ dịch. Đến nay, Bắc Ninh tiêu hủy hơn hơn 4.000 con gia cầm mắc bệnh.
Ông Nguyễn Hữu Trượng cho biết: “Khó khăn nhất đối với chúng tôi hiện nay, đúng dịp Tết Nguyên đán, mật độ chăn nuôi cao và nhu cầu buôn bán, vận chuyện, giết mổ cũng tăng lên cùng với thời tiết lạnh khiến dịch có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Ngay khi có dịch, tỉnh hỗ trợ toàn bộ hóa chất để tiêu trùng khử độc, đặc biệt hỗ trợ tiền tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, để người dân yên tâm sản xuất và khuyến khích người dân khai báo sớm ổ dịch để xử lý kịp thời, hiệu quả”.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm trên người, tính đến thời điểm này, dịch cúm A/H5N1 đang xảy ra trên đàn gia cầm ở 6 tỉnh là Tiền Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Đồng Tháp và Long An.
Nguy cơ cúm gia cầm lây lan ra đàn gia cầm của các địa phương khác vẫn khá cao do việc buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ chưa đảm bảo vệ sinh phòng bệnh. Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Qua kiểm tra giám sát ở 147 chợ của 143 huyện của 44 tỉnh thành, trường hợp dương tính với cúm A/H5N1 có 90 chợ, chiếm tỷ lệ là 61,2%”.
Cùng với công tác phòng chống dịch cúm A/H5N1, hiện ngành chức năng đang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch cúm A/H7N9 lây lan sang Việt Nam do việc buôn bán gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc - quốc gia đã có hơn 50 người tử vong do nhiễm cúm A/H7N9.
Có thể bạn quan tâm

Bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, khi trời êm, biển lặng, tôm hùm giống tập trung nhiều ở các rạn đá, san hô, lại được giá, một số ngư dân làng biển thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) lại sửa soạn đồ nghề chuẩn bị cho một mùa bắt tôm hùm giống…

Với chiêu bài mới, các thương lái Trung Quốc núp bóng các tiểu thương Việt để tìm mua con banh lông (một loại thuỷ sản dùng làm mồi câu cá rún) với giá cao ở các cửa biển Cà Mau, Kiên Giang. Nhiều vựa thu mua vì món lợi trước mắt mà “sập bẫy” chiêu bài này.

Những năm qua, công tác nuôi trồng thủy sản (NTTS) được huyện Hải Hậu (Nam Định) tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng bền vững.

Những lồng bè nuôi cá mú san sát trước đây ở bãi biển Lạch Dù, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), nay đang thưa thớt dần, bởi hầu hết người nuôi thua lỗ nặng do giá cá rớt dần từ trước tết đến nay. Bây giờ dưới màu nước trong xanh tận đáy ven bờ, bà con ngư dân nuôi tạm một vài loài hải sản khác, chờ giá cá mú hồi sinh trở lại…

Trước đây, phần lớn nghề nuôi thủy sản ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) phát triển theo hình thức nuôi tự phát. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng của Đảng và Nhà nước phong trào nuôi tôm công nghiệp (NTCN) trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh.