Bắc Giang Chăn Nuôi Gia Cầm Phục Hồi

Do làm tốt công tác kiểm dịch, bảo đảm an toàn cho vật nuôi nên thời điểm này, người chăn nuôi ở Bắc Giang tiêu thụ gia cầm dễ dàng hơn.
Sức mua tăng
Từ giữa tháng Hai đến nay, người chăn nuôi gia cầm ở Yên Thế bán gà thuận lợi hơn. Những đàn gà đến tuổi xuất chuồng còn đọng lại sau Tết Giáp Ngọ đã được tiêu thụ hết. Hiện gà mía lai, ri lai (khoảng 2 kg/con) giá 45-50 nghìn đồng/kg, tăng 3-4 nghìn đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Giang Sơn, xã Đồng Tâm cho biết: "Hiện nay, lượng hàng của đơn vị bán ra tăng gấp ba lần so với nửa tháng trước, bình quân 5 tạ gà chế biến và 10 tấn gà lông/ngày”.
Tương tự, Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến gia cầm Trường Anh (xã Đồng Tâm) cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng tại Hà Nội bình quân 200-300 con gà qua giết mổ. Theo tổng hợp của Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế, từ đầu năm đến nay, toàn huyện xuất bán hơn 3 triệu con gà lông, tăng 1 triệu con so với cùng kỳ năm trước.
Tại thôn Trường Thịnh, xã Quang Thịnh (Lạng Giang) nơi có nhiều hộ chăn nuôi gà quy mô lớn, việc tiêu thụ cũng thuận lợi. Khi thấy giá tăng, một số gia đình đang tái đàn, tích cực chăm sóc, phòng dịch bệnh. Ông Nguyễn Đức Minh, thôn Trường Thịnh có 500 con gà sắp đến tuổi xuất chuồng cho biết: "Giá gà đang tăng dần, dù còn thấp nhưng tôi cũng yên tâm hơn. Nhiều khách hàng đã đến hỏi giá, chuẩn bị thu mua. Sau khi bán hết lứa gà này tôi sẽ tiếp tục tái đàn”. Nhiều hộ ở xã An Bá (Sơn Động) hiện đang bán gà sạch với giá bình quân 60-65 nghìn đồng/kg.
Nỗ lực kiểm dịch
Ông Phạm Công Vân, Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế cho biết: "Vài năm trước, khi dịch cúm xảy ra ở các tỉnh khác, việc tiêu thụ gà Yên Thế bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dịp này, người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện ít bị ảnh hưởng bởi dịch cúm, việc xuất bán gà diễn ra bình thường, không ách tắc”.
Có được kết quả này là do nông dân chủ động điều chỉnh thu hẹp quy mô đàn, không tái đàn ồ ạt. Hiện tổng đàn gà toàn huyện khoảng 2 triệu con. Công tác phòng, chống dịch bệnh được coi trọng. Các hộ chăn nuôi tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại; chủ động phối hợp với cơ quan thú y trong hoạt động kiểm dịch.
Với nỗ lực duy trì sự an toàn trong hoạt động lưu thông, vận chuyển gia cầm, Trạm Thú y huyện Yên Thế cử cán bộ túc trực thường xuyên, sẵn sàng kiểm dịch kể cả trong đêm để các thương nhân có đủ điều kiện đưa những đàn gà khoẻ mạnh đi tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, Trạm đã kiểm dịch hơn 565 chuyến ô tô, dán tem gần 900 lồng gà.
Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm rõ nguồn gốc, do vậy lực lượng thú y toàn tỉnh trong những ngày qua tập trung cao cho công tác kiểm dịch vận chuyển gia cầm.
Để chủ động đối phó với cúm gia cầm, Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã cấp vắc-xin, hóa chất từ nguồn dự phòng cho các huyện, TP; Cùng đó, từ giữa tháng Hai đến nay, lực lượng quản lý thị trường liên tục tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm, ngăn chặn vận chuyển, lưu thông gia cầm nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc, góp phần bảo vệ chăn nuôi trong tỉnh.
Chính quyền các huyện, TP ngành nông nghiệp đã có khuyến cáo kịp thời về việc tái đàn với quy mô hợp lý; hỗ trợ đắc lực nông dân phòng, chống dịch bệnh, khoanh vùng, khống chế kịp thời, theo dõi sát sao điểm có gia cầm chết.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, việc tiêu thụ gia cầm diễn ra thuận lợi, an toàn, giúp cho những hộ nuôi gia cầm từng bước phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, để chăn nuôi gia cầm ổn định, hiệu quả cần tăng cường tuyên truyền người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh; khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thương hiệu uy tín được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ gia cầm của huyện tích cực quảng bá giới thiệu gà đồi nhằm tìm kiếm và khai thác thị trường mới.
Dù gà Yên Thế có giá bán cao hơn so với một số sản phẩm khác cùng loại nhưng thịt dai, đậm, thơm ngon. Vì vậy, tôi thường tìm mua gà đồi Yên Thế ở một số siêu thị tại Hà Nội, nhất là lúc này tại nhiều nơi đang có dịch cúm gia cầm” - Bà Trần Thị Là, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội).
Có thể bạn quan tâm

Vượt qua mọi khó khăn, mạo hiểm ban đầu, đến nay giấc mơ chinh phục “vàng trắng” với người trồng cao su ở Điện Biên đang dần hiện thực hóa khi dòng “vàng trắng” đầu tiên sắp chảy về. Với người dân góp đất trồng cao su cũng như những người “đứng mũi chịu sào” thì ngày “hái quả” đang đến gần.

Cả hợp tác xã có 53 ha, cứ 5 - 8 ha lại có một ao lắng để cấp nước đã qua xử lý cho các ao nuôi tôm, theo chỉ đạo của Hợp tác xã, khi con nước lớn và sạch mới lấy nước vào ao lắng, sau đó khử trùng bằng Iodine, sau 5 - 7 ngày mới lấy nước vào ao nuôi tôm, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao nuôi và ao lắng.

Những năm qua, bên cạnh việc trồng lúa, nhiều nông dân huyện Phước Long (Bạc Liêu) đã lựa chọn những mô hình sản xuất kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Trinh (xã Vĩnh Phú Đông), nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất kết hợp lúa - cá nên thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong tháng 01/2015, thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản, các đội tàu đánh bắt xa bờ tích cực ra khơi và đánh bắt được mùa. Mặt khác, giá dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây cũng là yếu tố làm cho các chủ tàu tích cực ra khơi bám biến nên sản lượng tăng mạnh so với cùng kỳ.

Hội thảo hướng đến mục tiêu đưa ra những đề án về giải pháp phát triển ngư nghiệp dựa theo phương án đánh bắt cá của Việt Nam, đồng thời giới thiệu mẫu tàu Composite FRP tiên tiến và mô hình sản xuất kinh doanh, bao tiêu sản phẩm. Tham dự hội thảo có chủ thuyền và những nhà đầu tư bao tiêu sản phẩm.