Áp Lực Lúa Giảm Giá Trở Lại?

Mấy ngày cuối tuần qua, ở một số nơi vùng sâu, mua bán lúa gạo có vẻ chậm lại, giá lúa giảm.
Sau 2 tuần, kể từ ngày 15/3, Chính phủ triển khai kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ lúa ĐX tại các tỉnh vùng ĐBSCL, trên thực tế hoạt động mua bán, tiêu thụ lúa gạo lưu thông từ nông dân qua thương lái và DN khá trôi chảy. Tuy nhiên, mấy ngày cuối tuần qua, ở một số nơi vùng sâu, mua bán lúa gạo có vẻ chậm lại, giá lúa giảm.
Chở lúa về nhà
Trên suốt con đường nông thôn chạy dọc theo tuyến kênh Bà Đầm từ thị trấn huyện Thới Lai (Cần Thơ) tới vùng sâu nằm giáp ranh 2 tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ là các xã Hòa Lợi, Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), hai bên bờ kênh lúa vào mùa chín rộ. Nhà nhà bận rộn gặt lúa.
Dù có nhiều chuyến ghe chở lúa từ trong kênh chạy nối đuôi ra sông lớn về các cụm nhà máy xay xát, nhưng vẫn thấy còn nhiều hộ chở lúa về nhà phơi đầy sân. Nhiều nhà lúa đã khô vô bao chất đầy bên hàng hiên, chưa kịp bán vì giá lúa đã chững lại.
Anh Út Hảo (Trần Văn Hảo), xã Hòa Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) vừa thu hoạch xong 8 công lúa phơi ngoài sân chưa kịp bán, đến nay tới lượt 7 công lúa Jasmine vừa mới gặt, thương lái gạ mua lúa tươi 5.000 đ/kg. Út Hảo chần chừ, vì nhà rộng, chưa túng tiền nên có ý muốn phơi khô để tạm trong nhà chờ giá. Nhưng với đa số nông dân khác trong xóm làm lúa IR50404 thì không thể tính như Út Hảo. Họ cần tiền chi xài cuối vụ nên không còn cách nào khác là phải bán 4.400-4.500 đ/kg.
Bí thư xã Hòa Hưng - ông Triệu Thanh Trí nói: "Thật ra lúa bán với giá như lúc này là đã tăng lên 200 đ/kg so với trước thời gian công bố tạm trữ của Chính phủ. Tuy có một số nông dân tiếc rẻ, chưa vội bán muốn kéo giá lên, nhưng thương lái trong vùng nắm rõ lượng lúa trên đồng.
Bởi vậy, giá lúa chẳng những chững lại mà thương lái còn kén chọn xem lúa phải tốt, chắc hạt mới mua. Riêng lúa hạt dài XK trong 2 ngày cuối tuần vừa qua bán tại ruộng còn 4.500- 4.530 đ/kg".
Lại lo lúa giảm giá
Trong những ngày này, ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) nắng chói chang như đổ lửa. Nông dân vẫn đội nắng ra đồng lo thu hoạch lúa ĐX. Chúng tôi trò chuyện với nhiều nông dân, song có lẽ niềm vui trúng mùa, năng suất lúa cao 1- 1,3 tấn/công chưa đủ bù được nỗi lo lúa đang quay đầu giảm giá, thậm chí có người lo không bán được.
Nông dân Phạm Văn Phước, ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) lo âu: "Nhà tôi làm lúa Jasmine vụ ĐX này 1,3 ha, đạt 1,2 tấn/công, năng suất trúng như mơ, cao hơn các năm trước. Nhưng nỗi lo hiện thời là gần 15 tấn lúa còn nằm ngoài đồng chưa bán được. Chỉ trong 2 tuần trước, vừa nghe tin Nhà nước thu mua tạm trữ lúa đã tăng giá.
Ông Phan Kim Sa, PGĐ Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp:
"Vụ lúa ĐX này Đồng Tháp có 11 DN tham gia thu mua tạm trữ với chỉ tiêu giao 85.000 tấn gạo. Các DN thu mua từ ngày 20/3, đến nay đã mua đạt hơn 50% chỉ tiêu. Tuy nhiên, trên một số cánh đồng lớn có một số DN vì chưa thống nhất độ thuần của giống lúa nên chưa mua lúa của dân theo hợp đồng. Điều này làm khó cho nông dân và ảnh hưởng đến cánh đồng liên kết của Đồng Tháp".
Cả nhà tôi mừng thầm vội đặt ngày cho máy gặt đến thu hoạch, nóng lòng chờ từng ngày để mong có lúa kịp bán được giá. Vậy mà vẫn không kịp, đến ngày lúa chín thu hoạch xong lúa giảm 200-250 đ/kg. Hiện nay lúa Jasmine còn 4.800 đ/kg. Thương lái mấy ngày qua có hứa hẹn vào mua nhưng rồi biệt tăm"...
Theo một số thương lái mua bán lúa gạo, hiện nay phần lớn diện tích lúa ĐX ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch rộ. Xu hướng giá giảm có thể do DN thu mua tạm trữ lúa gạo sắp đầy kho hoặc chưa có nhiều đầu mối xuất hàng nên “ăn hàng” rất chậm, thậm chí thu mua cầm chừng, kéo giá xuống.
Lúa gạo đã giảm 150-220 đ/kg, trong đó lúa IR 50404 còn 4.300 đ/kg, giá lúa OM6976 còn 4.500 đ/kg và có người lo ngại có thể giá lúa sẽ tiếp tục giảm nữa trong những ngày tới.
Anh Trần Tuấn Kiệt, ở huyện Thới Lai (Cần Thơ) với hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề thương lái cho biết: Tình hình mua bán lúa gạo đầu năm nay vất vả, khó lường quá. Như thời điểm trước khi Chính phủ cho thu mua tạm trữ anh đã lỗ một phen hơn 30 triệu đồng. Đến ngày 15/3, Chính phủ quyết định thu mua 1 triệu tấn gạo, định gỡ lại chút đỉnh, tôi “ôm” vô cả trăm tấn lúa cũng may xả được hơn một nửa, chứ nếu không giá lúa giảm đột ngột thế này thì có nước lỗ trắng tay.
Trong khi đó ở bên kia sông Tiền, thương lái Nguyễn Văn Hiệp ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) than trời: "Hơn 20 năm qua, chưa có năm nào mua bán lúa khổ như năm nay. Giá lúa biến động lên xuống thất thường. Chúng tôi bị lỗ mà còn bị mang tiếng với nông dân, như bỏ mặc nông dân, ép giá…
Thú thiệt việc bỏ mua lúa là có, vì có khi chúng tôi đặt cọc nông dân khoảng 100 -200 đ/kg lúa. Nếu giá giảm trong khoảng này, chúng tôi sẵn sàng đến mua để giữ chữ tín, còn giảm hơn nữa thì đành bỏ cọc chạy, chứ mua vào lỗ còn nặng hơn. Còn ép giá? Tôi cho rằng căn cứ theo giá DN thu mua tại kho, thấy có lời 50đ/kg là mua, vì 20 tấn lúa cũng kiếm 1 triệu đồng, cần gì phải ép?”.
Theo ý kiến một cán bộ nông nghiệp tỉnh Long An, trở lại vấn đề tạm trữ, dự trữ trước tình thế lúa vào mùa thu hoạch rộ, nếu Chính phủ hỗ trợ nên tìm phương thức trực tiếp hỗ trợ cho nông dân, hay hỗ trợ cho các tổ nông dân hợp tác, HTX thực hiện cánh đồng lớn với số tiền cụ thể thì người dân mới hưởng lợi.
Có thể bạn quan tâm

Trong khuôn khổ Dự án "Cải thiện sức chống chịu với biến đổi khí hậu vùng ven biển Việt Nam, Campuchia và Thái Lan", chiều ngày 05-8, tại xã An Thạnh 3 (huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng) Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức buổi ra mắt mô hình bảo vệ nghêu bố mẹ.

Là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là giống chè Shan tuyết; những năm qua, cây chè được huyện Quang Bình (Hà Giang) xác định là cây kinh tế mũi nhọn, không chỉ xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực.

Theo một thống kê của JICA, có tới 90% nông dân Việt Nam đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và có thu nhập thấp. Hầu hết những sản phẩm nông sản của họ được tiêu thụ bởi thị trường nội địa. Và trên thực tế, những nông dân này rất khó có thể áp dụng VietGAP hoặc những tiêu chuẩn GAP khác có yêu cầu cao hơn.

Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã rất nỗ lực trong việc trồng mới và hồi sinh những cánh rừng ngập mặn (RNM). Tuy nhiên, trước những biến đổi của khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, ô nhiễm môi trường... thì việc khôi phục và trồng lại RNM là vô cùng khó khăn, tốn kém.

Chị B.T (ngụ ở Q.7, TP.HCM) than phiền, gần đây các siêu thị gần nhà hầu như không bán thịt bò truyền thống nữa mà chỉ có thịt bò Úc. “Thịt bò Úc nhìn đẹp, ngọt và mềm, tuy nhiên giá hơi cao, chỉ thích hợp cho người có thu nhập khá. Người thu nhập thấp như tôi ít có khả năng mua.