Áp dụng thành công mô hình trồng chanh tứ mùa tại Tiên Yên (Quảng Ninh)

Càng vui hơn nữa khi được biết, đây là mô hình do chính những CCB trong tỉnh dồn tâm sức xây dựng và phát triển.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Cương, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh cho biết: Sau khi khảo sát nhiều giống cây trồng khác nhau, Hội CCB tỉnh quyết định đưa mô hình trồng chanh tứ mùa áp dụng cho các hội viên, trong đó, Tiên Yên là địa bàn chúng tôi chọn làm thí điểm. Giống chanh được nhập từ Hàm Yên, Tuyên Quang. Loại chanh này cho thu hoạch quanh năm với số lượng lớn, chất lượng tốt, mọng, nhiều nước. Khi trưởng thành có thể cho thu hoạch từ 1 đến 1,5 tạ quả/cây/năm. Hơn nữa “đầu ra” cho loại quả này cũng khá ổn định, hiện giá bán trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg. Sau hơn 1 năm phát triển mô hình tại hộ gia đình CCB Nguyễn Đức Chính đã cho thấy những kết quả hết sức khả quan.
Dẫn chúng tôi thăm vườn chanh đang vào vụ thu hoạch của gia đình, CCB Nguyễn Đức Chính chia sẻ: Năm 1981, tôi phục viên về xã Đông Hải sinh sống và tham gia công tác ở xã với nhiều cương vị khác nhau. Bản thân là một người lính Cụ Hồ, tôi luôn có mong muốn được phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình, đồng thời góp sức để giúp đỡ nhiều đồng đội khác. Muốn vậy, phải có hướng phát triển sản xuất hiệu quả, trong khi bản thân tôi cũng chưa tìm được mô hình nào phù hợp. Chính vì vậy, khi được biết Hội CCB tỉnh xây dựng mô hình trồng chanh tứ mùa thí điểm, tôi đã mạnh dạn đề xuất với Hội để được phát triển mô hình này và đã được Hội đồng ý, khích lệ tôi rất nhiều.
Theo đó, năm 2013, ông Chính đã nhận 400 cây giống theo chương trình hỗ trợ của Hội CCB tỉnh để về ươm trồng. Thời gian đầu phát triển mô hình, do chưa quen với việc trồng cũng như chăm sóc chanh nên một số cây đã không thể trưởng thành. Không chịu dừng bước, qua nhiều kênh thông tin, cũng như được sự giúp đỡ hỗ trợ của Hội CCB tỉnh, Hội CCB xã Đông Hải, ông Chính đã tìm tòi, học hỏi thêm nhiều kỹ thuật mới về ứng dụng cho mô hình. Nhờ đó, mô hình phát triển rất tốt. Đầu năm 2015, ông Chính nhập thêm 200 cây chanh nữa, nâng tổng diện tích trồng chanh của gia đình lên 1,4ha.
Tháng 6-2015, ông Chính thu hoạch vụ chanh đầu tiên. Sau hơn 1 tháng, mô hình cho thu hoạch trên 350kg, chất lượng quả tốt, thưa hạt, vỏ mỏng, nhiều nước, đem lại thu nhập khoảng 12 triệu đồng. Hiện tại, vườn chanh vẫn đang tiếp tục cho thu hoạch với số lượng 15 - 20kg/ngày. CCB Nguyễn Đức Chính cho biết: “Lúc mới đưa về trồng thử giống chanh này tôi cảm thấy rất lo lắng. Thời gian đầu còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn vì thời tiết hanh khô, sâu bệnh, tôi cũng lo cây không phát triển được.
Rất may tôi đã được Hội CCB tỉnh và xã khích lệ động viên, hỗ trợ hết sức để phát triển mô hình. Đến bây giờ tôi có thể khẳng định mình sẽ trụ vững với mô hình. Tôi cũng rất mong mô hình trồng chanh tứ mùa sẽ được nhân rộng cho những hộ CCB khác để phát triển kinh tế”. Được biết, không chỉ nhận trồng thí điểm giống chanh tứ mùa, CCB Nguyễn Đức Chính còn đầu tư phát triển nhiều loại cây ăn quả khác. Hiện, ông đang chăm sóc 64 gốc bưởi Diễn và 3.000 gốc cam sành.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Cương, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Hội CCB tỉnh sẽ nâng cao công tác tuyên truyền, tìm hiểu nhu cầu của hội viên, mở rộng mô hình trồng chanh cho các CCB khác để cùng nhau phát triển kinh tế. Hội sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ vay vốn mua cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc để mô hình đạt hiệu quả cao nhất”.
Có thể bạn quan tâm

Dự báo đến năm 2015, Đà Lạt phải phát triển khoảng 2.500ha diện tích khoai tây (năng suất trung bình trên dưới 25 tấn/ha) mới đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài địa phương.

Hơn nửa tháng qua, giá cá điêu hồng nuôi bè tăng trở lại dù chưa ổn định, tình hình tiêu thụ cũng thuận lợi hơn nên người nuôi cá điêu hồng lồng bè cơ bản đã vượt qua được thời điểm khó khăn. Sự khởi sắc của làng bè nuôi cá điêu hồng đã kéo giá cá điêu hồng giống tăng lên sau thời gian dài “rớt đáy” cùng cá điêu hồng thương phẩm.

Thời gian qua, do hạn hán kéo dài, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt và sản xuất hè thu tại một số địa phương ở Bình Thuận. Đây cũng chính là nguyên do dẫn đến việc trễ thời vụ xuống giống, gây áp lực về tình hình sâu bệnh trên cây trồng gia tăng.

Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả Nam bộ đến năm 2020. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã chọn 12 loại cây ăn quả chủ lực, trong đó có 5 loại cây được trồng rải vụ. Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 là 257.000ha, bao gồm 12 loại cây ăn quả chủ lực như: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, thơm, cam, mãng cầu và quýt.

Chúng tôi rất ấn tượng khi đến tham quan trang trại “sản xuất, chăn nuôi tổng hợp” của kỹ sư ngành công nghệ thông tin Nguyễn Thanh Tuấn ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.