Áp dụng thành công mô hình trồng chanh tứ mùa tại Tiên Yên (Quảng Ninh)

Càng vui hơn nữa khi được biết, đây là mô hình do chính những CCB trong tỉnh dồn tâm sức xây dựng và phát triển.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Cương, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh cho biết: Sau khi khảo sát nhiều giống cây trồng khác nhau, Hội CCB tỉnh quyết định đưa mô hình trồng chanh tứ mùa áp dụng cho các hội viên, trong đó, Tiên Yên là địa bàn chúng tôi chọn làm thí điểm. Giống chanh được nhập từ Hàm Yên, Tuyên Quang. Loại chanh này cho thu hoạch quanh năm với số lượng lớn, chất lượng tốt, mọng, nhiều nước. Khi trưởng thành có thể cho thu hoạch từ 1 đến 1,5 tạ quả/cây/năm. Hơn nữa “đầu ra” cho loại quả này cũng khá ổn định, hiện giá bán trên thị trường khoảng 30.000 đồng/kg. Sau hơn 1 năm phát triển mô hình tại hộ gia đình CCB Nguyễn Đức Chính đã cho thấy những kết quả hết sức khả quan.
Dẫn chúng tôi thăm vườn chanh đang vào vụ thu hoạch của gia đình, CCB Nguyễn Đức Chính chia sẻ: Năm 1981, tôi phục viên về xã Đông Hải sinh sống và tham gia công tác ở xã với nhiều cương vị khác nhau. Bản thân là một người lính Cụ Hồ, tôi luôn có mong muốn được phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình, đồng thời góp sức để giúp đỡ nhiều đồng đội khác. Muốn vậy, phải có hướng phát triển sản xuất hiệu quả, trong khi bản thân tôi cũng chưa tìm được mô hình nào phù hợp. Chính vì vậy, khi được biết Hội CCB tỉnh xây dựng mô hình trồng chanh tứ mùa thí điểm, tôi đã mạnh dạn đề xuất với Hội để được phát triển mô hình này và đã được Hội đồng ý, khích lệ tôi rất nhiều.
Theo đó, năm 2013, ông Chính đã nhận 400 cây giống theo chương trình hỗ trợ của Hội CCB tỉnh để về ươm trồng. Thời gian đầu phát triển mô hình, do chưa quen với việc trồng cũng như chăm sóc chanh nên một số cây đã không thể trưởng thành. Không chịu dừng bước, qua nhiều kênh thông tin, cũng như được sự giúp đỡ hỗ trợ của Hội CCB tỉnh, Hội CCB xã Đông Hải, ông Chính đã tìm tòi, học hỏi thêm nhiều kỹ thuật mới về ứng dụng cho mô hình. Nhờ đó, mô hình phát triển rất tốt. Đầu năm 2015, ông Chính nhập thêm 200 cây chanh nữa, nâng tổng diện tích trồng chanh của gia đình lên 1,4ha.
Tháng 6-2015, ông Chính thu hoạch vụ chanh đầu tiên. Sau hơn 1 tháng, mô hình cho thu hoạch trên 350kg, chất lượng quả tốt, thưa hạt, vỏ mỏng, nhiều nước, đem lại thu nhập khoảng 12 triệu đồng. Hiện tại, vườn chanh vẫn đang tiếp tục cho thu hoạch với số lượng 15 - 20kg/ngày. CCB Nguyễn Đức Chính cho biết: “Lúc mới đưa về trồng thử giống chanh này tôi cảm thấy rất lo lắng. Thời gian đầu còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn vì thời tiết hanh khô, sâu bệnh, tôi cũng lo cây không phát triển được.
Rất may tôi đã được Hội CCB tỉnh và xã khích lệ động viên, hỗ trợ hết sức để phát triển mô hình. Đến bây giờ tôi có thể khẳng định mình sẽ trụ vững với mô hình. Tôi cũng rất mong mô hình trồng chanh tứ mùa sẽ được nhân rộng cho những hộ CCB khác để phát triển kinh tế”. Được biết, không chỉ nhận trồng thí điểm giống chanh tứ mùa, CCB Nguyễn Đức Chính còn đầu tư phát triển nhiều loại cây ăn quả khác. Hiện, ông đang chăm sóc 64 gốc bưởi Diễn và 3.000 gốc cam sành.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Văn Cương, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Hội CCB tỉnh sẽ nâng cao công tác tuyên truyền, tìm hiểu nhu cầu của hội viên, mở rộng mô hình trồng chanh cho các CCB khác để cùng nhau phát triển kinh tế. Hội sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ vay vốn mua cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc để mô hình đạt hiệu quả cao nhất”.
Có thể bạn quan tâm

Vụ cam năm 2011, huyện Hàm Yên có trên 2.326 ha, năng suất bình quân 130 tạ/ha, sản lượng đạt trên 28 nghìn tấn quả, tổng giá trị thu nhập đạt trên 150 tỷ đồng. Cuối vụ, cam bán được giá, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã có thu nhập tiền tỷ.

Tháng 11-2011, người dân xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) đã được Công ty Sawon ở Bắc Giang đầu tư hỗ trợ giống hành lá trồng thử nghiệm. Tuy mới là dự án thí điểm, nhưng với những ưu điểm như năng suất cao, không mất nhiều công chăm sóc, loại cây trồng này đang mở ra một hướng đi mới đối với người nông dân nơi đây..

Học hết trung học phổ thông, anh đã theo đuổi nhiều nghề, đi nhiều nơi nhưng rồi thất bại. Không sợ khó khăn vất vả, dám nghĩ dám làm, anh đã tìm ra hướng phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi vịt hiệu quả..

Vụ lúa mùa năm nay, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) có kế hoạch gieo cấy 412 ha (cao nhất huyện). Để đảm bảo sản xuất đúng khung thời vụ, góp phần nâng cao sản lượng lương thực của huyện, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với UBND xã chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương làm đất và gieo cấy lúa..

Xác định gieo cấy lúa mùa đúng trà, bảo đảm khung thời vụ và cấy hết diện tích là điều kiện tốt để thực hiện vụ đông và hoàn thành chỉ tiêu sản xuất lương thực cả năm. Vụ mùa 2013, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 25.339 ha lúa, có 12.764 ha lúa lai, chiếm 50,4% diện tích. Trong đó tập trung gieo cấy trà sớm và chính vụ và kết thúc cấy trước ngày 5-7..