Anh Trần Đình Toàn Vươn Lên Khá Giàu Nhờ Nuôi Ba Ba

Anh Trần Đình Toàn ở ấp An Định, xã An Bình (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) với mô hình nuôi ba ba thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao. Mỗi đợt thu hoạch, anh thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Từ nghèo khó, nhờ con ba ba mà gia đình anh đã vươn lên khá giàu.
Thấy một người quen ở An Giang nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2005, anh Toàn quyết định dùng số tiền ít ỏi tích góp được để thuê ao và mua 1.000 con ba ba giống thả nuôi. Anh Toàn cho biết, anh chỉ đủ tiền mua con giống và mướn ao nuôi. Hàng ngày, vợ chồng anh phải đi kéo lưới bắt cá làm thức ăn cho ba ba. Nhờ có sự chuẩn bị tốt, học hỏi kinh nghiệm nuôi ba ba từ bạn bè, sách báo nên ngay từ lần đầu tiên thực hiện mô hình này đã mang lại hiệu quả cao. Sau 18 tháng nuôi, anh thu hoạch được gần 1 tấn ba ba thương phẩm, bán với giá trên 300.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.
Thắng lớn ở đợt nuôi đầu tiên, lại có thêm kinh nghiệm nên vụ tiếp theo, anh Toàn mạnh dạn tăng số lượng ba ba nuôi lên tới 5.000 con. Sau khi trừ chi phí, đợt nuôi này anh lãi gần 1 tỷ đồng. Ngoài nuôi ba ba thương phẩm, anh Toàn còn nuôi ba ba sinh sản, khoảng trên 100.000 con giống/năm, vừa giúp anh chủ động được nguồn giống, vừa tăng thêm thu nhập qua việc bán con giống cho các hộ nuôi lân cận.
Anh Toàn cho hay, vừa xuất bán 1,8 tấn ba ba thịt, giá trung bình 210 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 170 triệu đồng. Anh sắp xếp thời gian nuôi phù hợp nên lúc nào cũng có ba ba thịt cung ứng cho thị trường. Anh còn đang nuôi 4 ao ba ba (100m2/ao) với 4.000 con giống. Hiện ba ba đang phát triển tốt, số ba ba này anh sẽ thu hoạch vào dịp gần Tết Nguyên đán năm 2014, hứa hẹn sẽ thêm một vụ “trúng đậm”.
Anh Toàn chia sẻ kinh nghiệm: “Tuy vốn đầu tư khá cao nhưng ba ba là loài thủy sản nhẹ công chăm sóc, dễ nuôi nếu tuân thủ đúng kỹ thuật. Trước hết cần chọn con giống khỏe mạnh, nguồn thức ăn phải bảo đảm vệ sinh. Ao nuôi phải sạch sẽ nhằm hạn chế vi khuẩn xâm hại (nhất là giai đoạn ba ba còn nhỏ), dưới đáy ao phải rải một lớp cát mịn dày khoảng 1 tấc. Ao nuôi che chắn cẩn thận để ba ba không thoát ra ngoài.
Quan trọng nhất là từ tháng nuôi thứ 10 đến tháng thứ 12 phải tiến hành phân đàn, tách riêng con đực - cái, làm tốt khâu này sẽ hạn chế hao hụt và hiệu quả kinh tế mang lại cao. Người nuôi phải theo dõi và kiểm tra thường xuyên để có biện pháp phòng ngừa bệnh cho ba ba thích hợp”.
Nhờ con ba ba mà giờ đây kinh tế gia đình anh Toàn phát triển, vươn lên khá giàu. Hiện anh đã mua đất, mở rộng diện tích nuôi ba ba, xây được ngôi nhà mới trị giá hàng trăm triệu đồng và cho con du học nước ngoài... Không chỉ ăn nên làm ra từ mô hình nuôi ba ba, anh Toàn còn nhiệt tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi ba ba cho nhiều người dân trong và ngoài địa phương.
Theo ông Huỳnh Minh Phú - Chủ tịch UBND xã An Bình: Trên địa bàn xã có trên 25 hộ dân nuôi ba ba nhưng đa số nuôi ở dạng nhỏ lẻ. Hướng tới, xã sẽ thành lập tổ hợp tác nuôi ba ba để có sự liên kết và khép kín từ khâu nuôi đến khi xuất bán nhằm tăng thu nhập cho người dân, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi ba ba.
Có thể bạn quan tâm

Theo định hướng phát triển ngành mía đường ĐBSCL đến năm 2020, các tỉnh này sẽ mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu rộng khoảng 60.000 ha, tập trung tại Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, tăng 8.000 ha so thời điểm hiện tại.

Tiền Giang là địa phương có vùng chuyên canh sơ ri lớn với diện tích đất trồng khoảng 300 hecta, tập trung chủ yếu ở vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Hơn 3 năm qua, đầu ra cây sơ ri được ổn định, có giá cao, người trồng sơ ri lãi gấp 3 lần trồng lúa.

Khi cấy, gốc và rễ mạ bị dúi sâu 3-5 cm trong bùn đất do vậy cây lúa lâu hồi xanh, đẻ nhánh muộn và hay bị bệnh nghẹt rễ làm giảm năng suất, tăng chi phí phân bón, kéo dài thời gian sinh trưởng. Ném mạ trong phương pháp gieo mạ ném bằng khay nhựa khắc phục được những nhược điểm này.

Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có 17 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu, thu hút 1300 lao động, hiện có 11 HTX tan rã. Sau gần 2 năm thành lập, mặc dù đây là mô hình có hiệu quả kinh tế, xã hội hóa tốt, nhưng do các HTX ở lĩnh vực này còn chưa tạo được sự liên kết, vẫn thường xuyên tranh giành lợi nhuận và mạnh ai nấy làm dẫn tới không tạo được uy tín, thương hiệu cho nghề nuôi nghêu.

Tiêu chuẩn MSC bao gồm 23 tiêu chí lớn thuộc 3 nguyên tắc cơ bản. Để được chứng nhận MSC, nghề nuôi nghêu phải đảm bảo các tiêu chí khoa học rất nghiêm ngặt như: không khai thác bừa bãi làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, nếu có suy giảm phải bảo đảm điều kiện tái khôi phục nguồn lợi; có hệ thống quản lý nghề khai thác hữu hiệu, tuân thủ luật lệ, công ước và các tiêu chuẩn quốc tế…