Anh Huỳnh Văn Á chủ động khống chế dịch chổi rồng trên cây nhãn, cho thu nhập cao

Gia đình anh Á trồng 1 ha nhãn tiêu Huế hơn 10 năm tuổi, vừa thu hoạch vụ nghịch, năng suất đạt 10 tấn/ha. Anh cho biết, trước kia trồng nhãn da bò, đầu ra không ổn định, năm 2000, anh mạnh dạn đốn bỏ, trồng nhãn tiêu Huế.
Ba năm sau, vườn nhãn nhà anh cho thu nhập ổn định, nhưng để nhãn ra hoa mùa thuận, giá bán sẽ không cao, thông qua tập huấn khuyến nông và học tập kinh nghiệm các nông dân sản xuất có hiệu quả ở địa phương, anh xử lý cho cây ra hoa trái vụ.
Bắt đầu từ tháng 6 âm lịch, anh sử dụng thuốc KCLO3 tưới xung quanh gốc, liều lượng 150 gam/cây, nhằm khống chế không cho bộ rễ phát triển, khoảng 1 tuần lễ dùng dao khắc vỏ xung quanh thân và cành khoảng 0,1 cm. Gần 1 tháng, cây nhú đọt non ra hoa, phun thuốc GA3 kích thích bông to và tăng tỷ lệ đậu trái, sau đó, phun thuốc định kỳ 20 ngày/lần, phòng ngừa sâu gây hại trái non. Khi trái đậu bằng đầu đũa, sẽ bón phân 20-20-15, liều lượng 0,5 kg/cây và bón 3 lần/vụ. Thu hoạch xong vụ, tỉa bỏ những cành, chồi vô hiệu, thiêu hủy những cành, chồi bị bệnh, không để vi khuẩn lây lan mầm bệnh, làm gốc, bón thúc phân giúp cây phục hồi.
Nhờ áp dụng đúng các qui trình kỹ thuật sản xuất, chủ động phun thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp "4 đúng", phòng nhện lông nhung truyền bệnh và sâu gây hại trái non, nên tỷ lệ bệnh chổi rồng trên vườn nhãn của anh ít, năng suất năm sau cao hơn năm trước. Nhiều năm liền, anh xử lý nhãn ra hoa nghịch vụ được mùa, trúng giá.
Từ năm 2010 đến nay, anh tham gia tổ hợp tác sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần tăng năng suất, sản lượng và phẩm chất trái, thương lái mua giá cao hơn từ 300 - 500 đồng/kg và chi phí sản xuất giảm khoảng 20% so với ngoài dự án, thu lãi 80 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình anh ổn định, xây dựng nhà khang trang, đủ tiện nghi.
Hiện nay, Tổ hợp tác sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP Nhị Quí có 28 thành viên, với 13,5 ha, sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần, nhằm giúp các tổ viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chủ động phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh chổi rồng và sâu gây hại trên cây nhãn, hướng đến sản xuất trái cây sạch, nâng cao đời sống tổ viên, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Quảng Trị có thế mạnh phát triển đàn bò thịt không chỉ ở quy mô nông hộ nuôi dưới 10 con mà còn phát triển thành trang trại lớn để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên. Hiện tại nguồn bò thịt ở địa phương này không đủ cung cấp cho thị trường.

Theo dự báo, mùa đông năm nay sẽ có nhiều đợt rét đậm, ảnh hưởng đến chăn nuôi và trồng trọt. Để giảm thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc.

“Thơm, ngon, ngọt, mềm” là những từ thường được người tiêu dùng dành cho món thịt bò A Lưới. Bất cứ ai có dịp lên A Lưới đều không quên mang vài kg thịt bò về để ăn hoặc làm quà tặng bà con, bạn bè.

Để thích ứng hơn nữa với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ kỹ thuật canh tác của tỉnh miền núi Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng vừa bổ sung quy trình sản xuất cà phê bền vững theo phương pháp “3 lần 3” (3 phải, 3 giảm và 3 tăng) để chuyển giao rộng rãi cho người nông dân.

Tới nay đã có 52 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất rau, hoa ở Đà Lạt và vùng phụ cận (gồm các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà) được UBND thành phố Đà Lạt cấp Chứng nhận nhãn hiệu rau hoa Đà Lạt.