Anh Diến Làm Kinh Tế Giỏi

Theo sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn chúng tôi đến thăm gia đình anh Lại Văn Diến, khu 2, thị trấn Kỳ Sơn là hộ gia đình hội viên nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất thức ăn gia súc của gia đình, anh Lại Văn Diến cho biết: Có được quy mô sản xuất như hiện nay, anh đã trải qua bao khó khăn, do không có quỹ đất nên phải mua thầu đất giá cao để sản xuất gạch, lại thêm chưa có kinh nghiệm nên các mẻ gạch ra lò bị phồng, hỏng nhiều.
Sau 3 năm vừa làm, vừa học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm, anh bắt đầu cho ra lò những viên gạch hồng có chất lượng tốt đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Từ thành công bước đầu, để mở rộng quy mô sản xuất, anh đã mạnh dạn vay 10 triệu đồng của Ngân hàng NN-PTNT và vay thêm vốn từ người thân để mua thầu thêm đất làm gạch, xây thêm 2 lò nung. Hiện tại, gia đình anh có 3 lò nung gạch, 5 máy làm gạch và 5 ha diện tích đất thầu.
Trung bình, mỗi tháng sản xuất ra 10 vạn viên gạch/lò. Để đẩy nhanh hiệu quả sản xuất và giảm bớt công đoạn người lao động phải gánh gạch từ dưới vào lò nung, năm 2007 anh đã đầu tư 30 triệu đồng để làm thang máy vận chuyển gạch lên lò.
Tuy nhiên, do ở vùng hạ lưu của đập thủy điện Hoà Bình nên sản xuất gạch chỉ được 9 tháng/năm, còn lại 3 tháng vào mùa xả lũ, cơ sở của anh phải dừng hoạt động.
Trước thực tế trên, sau khi tìm hiểu thị trường, anh thấy mùa thu hoạch sắn ở địa phương bắt đầu từ tháng 9 cho đến tháng 3 năm sau, người nông dân thường phải bán thành phẩm sắn tươi cho các tư thương từ các tỉnh khác đến mua với giá thành thấp, không ổn định.
Trăn trở với suy nghĩ, làm thế nào để giúp người nông dân có đầu ra ổn định cho cây sắn, giúp người lao động có thêm việc làm trong thời gian cơ sở tạm nghỉ làm gạch, đồng thời tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Năm 2007, anh quyết định đầu tư 300 triệu đồng để xây nhà kho, xưởng và 4 hộc sấy sắn. Mỗi hộc sấy được 40 tấn sắn tươi, cho thu 20 tấn sắn khô thành phẩm/ngày. Nguyên liệu sắn tươi anh thu mua của bà con nông dân trong huyện và các vùng lân cận, sau khi chế biến thành sản phẩm sắn khô anh bán cho Nhà máy chế biến thức ăn gia súc và xuất sang Trung quốc.
Hiện nay, với 2 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất thức ăn gia súc, trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động với mức lương bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Diến cho biết thêm: Trong năm 2008, anh tiếp tục vay Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn 1 tỷ đồng, cộng thêm vốn tự có của gia đình để đầu tư mua sắm thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất.
Kế hoạch trong năm 2009, anh sẽ đầu tư xây lò nung gạch liên hoàn kiểu đứng, vừa tăng năng suất, vừa giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm môi trường và xây nhà máy chế biến thức ăn gia súc có quy mô rộng hơn. Vốn ước tính để thực hiện sẽ hết gần 5 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm

Với bản tính thích khám phá, chinh phục và làm cho cuộc sống của mình no ấm hơn, nhiều nông dân (ND) miền Tây đã làm nên những “kỳ tích” nông nghiệp

Từ dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa và 5ha đất trồng 2 vụ lúa, 1 vụ mè, có năm trúng mùa, trúng giá gia đình anh Hải thu nhập hàng tỷ đồng.

Với giá bán như hiện nay, 1ha cà phê xen canh sầu riêng này sẽ cho doanh thu gần 800 triệu đồng, cá biệt năm 2016 có hộ thu về 1,2 tỷ/ha đồng từ bán sầu riêng..

Ông Nguyễn Văn Tường, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, An Giang trồng tre để bán măng, lá và giống thu gần một triệu đồng mỗi ngày.

Bò sữa nguồn gốc Moncada (Cuba) được nông dân nhiều xã tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nuôi thử nghiệm từ 12 năm trước