An Giang Kiểm Soát Giá Thức Ăn Chăn Nuôi Để Cạnh Tranh Công Bằng Hơn

Giá cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang tháng 11-2009 chỉ có 15.000 đồng/kg, đến tháng 6-2014 tăng lên 23.000 đồng/kg. Trong 5 năm, giá tăng 8.000 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn không có lãi. Nguyên nhân chính do giá thức ăn còn… tăng nhanh hơn.
Chỉ tăng mà không giảmGia đình ông Nguyễn Thành Tâm (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) có 2 héc-ta ao nuôi cá tra. Bình quân mỗi vụ (thời gian nuôi 6 tháng), ông thu hoạch trên 80 tấn cá. Vậy mà đã hơn 10 năm nay, cuộc sống gia đình ông mỗi ngày một đi xuống, nợ nần chồng chất. Tiền mua thức ăn ở cửa hàng trong xã trên 170 triệu đồng, đến nay vẫn chưa thanh toán được.
“Nông dân nuôi cá đang đứng trước thực tế rất bất công mà ở đó, vai trò quản lý của Nhà nước chưa làm hết trách nhiệm. Hơn 10 năm qua, giá thức ăn liên tục tăng, khiến nông dân nuôi cá lao đao. Giá thức ăn tăng bình quân ít nhất 5%/năm, chỉ có tăng chứ không giảm, trong khi giá cá nguyên liệu có lúc giảm xuống chỉ còn 15.000 đồng/kg. Mà dù giá cá nguyên liệu có tăng đi chăng nữa thì giá thành nuôi lại tăng nhanh hơn, lợi nhuận thấp xuống nên thua lỗ triền miên là điều không tránh khỏi” – ông Tâm bức xúc.
Thực trạng này khiến diện tích nuôi cá vùng ĐBSCL từ 6.300 héc-ta (năm 2010) nay giảm còn 2.954 héc-ta. Một trong những nguyên nhân thua lỗ là thức ăn luôn tăng giá, trong khi giá cá tra nguyên liệu khi lên cao, lúc xuống thấp, dao động trong một biên độ lớn, từ đó mà tính rủi ro rất cao. Số người nuôi từ 5 héc-ta trở xuống đã dần bị “sạt nghiệp”. Từ nuôi cá tra, một số nông dân chuyển sang nuôi các loại cá khác để bán chợ nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng tiếp tục thua lỗ, vì giá thức ăn cho các loài cá nuôi này cũng tăng.
Nhiều chiêu thức “móc túi” nông dân
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, cả nước có gần 60 doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi, với hơn 200 nhà máy, trong đó DN nước ngoài chiếm 1/3 số nhà máy nhưng thị phần lại chiếm tới 65 – 70%. Chính từ việc chiếm thị phần đáng kể nên các công ty thức ăn chăn nuôi đã “làm mưa, làm gió” khiến người nuôi cá lẫn các đại lý nhiều phen lao đao.
“Chưa có thời gian nào mà người bán cửa hàng thức ăn chăn nuôi bị các công ty “ép” như hiện nay. Họ đưa ra nhiều chiêu thức rất phức tạp để ép đại lý, cửa hàng nhập hàng cho đạt doanh số quý, năm. Nếu 1 - 2 lần không đạt doanh số (do họ đơn phương áp đặt) thì trong khu vực mình đang bán, họ sẵn sàng tìm cách tạo điều kiện cho người mới đứng ra mở cửa hàng để bán nhãn hiệu của họ. Trong khi quá trình làm thị trường, mình đã ra chi phí rất lớn. Khi gặp phải tình trạng này thì xem như mất trắng. Hết người này đến người khác mở cửa hàng rồi cũng mất trắng theo” – chị Kiều, chủ cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) nói.
Ngoài ép các cửa hàng, đại lý nhập hàng để đạt doanh số, các công ty đã liên tục điều chỉnh giá tăng lên. Những năm trước, bình quân mỗi năm có ít nhất 2 đợt tăng giá, cá biệt có năm có đến 5 đợt tăng. Mỗi lần điều chỉnh giá tăng thì “chiêu thức” để họ “móc túi” nông dân là công ty cho chạy chương trình khuyến mãi, tặng quà. “Nói là “tặng”, chứ họ đã nâng giá bán, thành ra nông dân chúng tôi vừa mua thức ăn cho cá, lại phải mua kèm bia, nước giải khát và nhiều thứ khác thông qua chương trình khuyến mãi, tặng quà của họ” - ông Nguyễn Thành Tâm giãi bày.
Hiện nay, trên địa bàn An Giang có trên 10 nhãn hiệu thức ăn khác nhau, nổi tiếng cũng có mà lạ hoắc cũng có. Tuy nhiên, các hãng thức ăn đều có chiến lược riêng để “móc túi” nông dân, mà Nhà nước thì chưa có giải pháp hữu hiệu. Do đó, đi vào kiểm soát giá thành sản xuất, phân tích giá mua nguyên liệu đầu vào, giá bán sản phẩm cùng nhiều yếu tố khác của thị trường để có giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, giúp sản phẩm của nông dân có giá thành hợp lý, đạt chất lượng nhưng giá bán cạnh tranh là việc cần làm ngay của các cơ quan chức năng.
“Để sản phẩm ngành chăn nuôi của cả nước nói chung, thủy sản nói riêng đủ sức cạnh tranh với sản phẩm các nước trong khu vực và trên thế giới thì Nhà nước cần có giải pháp kiểm soát giá thức ăn (đầu vào) để người nuôi cá có giá thành nuôi tốt nhất, từ đó sản phẩm có đủ sức cạnh tranh. Thực tế cho thấy, giá cá tra nguyên liệu có khi tăng, khi giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi thì chỉ có tăng, chứ không giảm. Nếu để tình trạng này tiếp tục xảy ra thì cả người nưôi cá lẫn nhà máy đều phải thua lỗ…” – ông Lê Trung Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, nhận định.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên cá tra trong nước nói chung và ở Tiền Giang nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, phổ biến nhất là bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất của bà con nông dân.

Là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Việt Nam, nhưng với tốc độ đầu tư triển khai trồng đại trà với quy mô lớn, Trung Quốc có thể trở thành nước cạnh tranh về diện tích lẫn sản lượng với thanh long VN.

Ngày 12- 11, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản phối hợp Công ty Cổ phần TCSH Vĩnh Thịnh tổ chức tập huấn kỹ thuật “Nuôi tôm bền vững và tiếp cận mô hình VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng” cho 55 học viên là nông dân thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).

Hiện nay phong trào nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đang phát triển rất mạnh ở Cần Thơ, tập trung ở các huyện như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn. Ông Nguyễn Hữu Huynh, ở P. Thới Hòa, Q. Ô Môn cho biết, với 2 ha mặt nước ruộng chuyên nuôi tôm luân canh trên nền đất lúa, mỗi vụ cho thu hoạch bình quân 1,6 tấn, lợi nhuận 90 - 100 triệu đồng. Lợi nhuận nuôi tôm càng xanh gấp đôi trồng lúa. Ngoài ra, mô hình luân canh này bền vững, giúp giảm lượng phân bón sử dụng cho lúa, tăng năng suất lúa, đồng thời giảm được lượng mùn bã hữu cơ và góp phần ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi.

Từ giữa tháng 8/2013, Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương (TW), đến đầu tháng 10, kết quả kiểm tra cho thấy tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản quan trọng, đặc biệt là tôm nuôi nước lợ tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2012, nhưng vẫn còn xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại ở nhiều địa phương.