An cư lạc nghiệp nhờ tổ hùn vốn của Hội

Nhiều năm nay, mô hình Tổ nông dân tự hùn vốn xoay vòng xây nhà kiên cố do Hội nông dân (ND) huyện Tam Nông tổ chức, chỉ đạo đã giúp hàng trăm hộ “an cư lạc nghiệp” trong những ngôi nhà an toàn, khang trang.
Có nhà lớn nhờ tổ hùn vốn
Theo quy ước, vào cuối 3 vụ lúa trong năm, các tổ hùn vốn này họp và chọn ra 3 hộ được nhận vốn góp của các thành viên để cất nhà kiên cố.
Mỗi hộ được nhận từ 50 - 80 triệu đồng.
Ông Trần Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Tam Nông cho biết: “Thực hiện chủ trương của Hội ND tỉnh và của Huyện ủy, hàng năm Hội ND huyện xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo Hội ND các xã, thị trấn thực hiện, vận động trong cán bộ, hội viên nông dân và các Mạnh Thường Quân để hỗ trợ các tổ hùn vốn cất nhà.
Qua cuộc vận động, hầu hết bà con đều thấy được hiệu quả nên rất tha thiết tham gia vào tổ này…”.
Một trong những ngôi nhà của thành viên tổ hùn vốn cất nhà xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông (Đồng Tháp).
Theo ông Dũng, chỉ tính từ đầu năm đến nay, các tổ nông dân hùn vốn đã cất được hàng trăm căn nhà kiên cố với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng.
Gia đình ông Trần Hiếu Nhi ở ấp K12, xã Phú Hiệp trước đây sống trong căn nhà gỗ lụp xụp.
Sau khi tham gia tổ hùn vốn và được xét chọn, nhận được 80 triệu đồng vốn vào cuối vụ thu đông năm 2014, cộng với vốn tích lũy được trong những năm qua, ông Nhi đã xây dựng được căn nhà tường khang trang, rộng rãi, nền lót gạch bông trị giá trên 200 triệu đồng.
Ông Nhi bày tỏ: “Nếu không tham gia tổ, không có anh em cho mượn tiền để cất nhà thì mình khó xây dựng được căn nhà khang trang như vậy”.
Hỗ trợ nhau một cách thiết thực
Mô hình tổ hùn vốn cất nhà đang được Hội ND nhân rộng ra khắp các xã, thị trấn của huyện Tam Nông.
Ông Đoàn Văn Ân - Chủ tịch Hội ND xã Phú Đức cho biết: “Nếu như một hộ đứng ra cất nhà thì gặp khó vì phải có số tiền lớn.
Giải quyết cái khó này, Hội đã thành lập được 2 tổ nông dân tự hùn vốn xoay vòng cất nhà kiên cố ở ấp K8 và ấp K9.
Mỗi tổ có 12 hội viên tham gia tự nguyện hùn vốn từ 3 triệu đồng/đợt 3 tháng.
Đến nay, 2 tổ đã cất hoàn thành 10 căn nhà kiên cố.
Trị giá mỗi căn nhà từ trên 100 triệu đồng đến gần 400 triệu đồng.
Sắp tới chúng tôi sẽ thành lập ở mỗi ấp 1 tổ hùn vốn cất nhà…”.
Ngoài tổ hùn vốn cất nhà, Hội ND các cấp huyện Tam Nông còn chỉ đạo thành lập 8 tổ hùn vốn mua sắm tài sản với 88 thành viên.
Các thành viên đã góp vốn trên 718 triệu đồng để giúp nhau luân phiên có tiền lớn mua sắm tài sản.
Từ đầu năm đến nay, các tổ hùn vốn này đã giúp cho hơn 60 hộ có tiền từ 2-10 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị thiết yếu trong cuộc sống.
Ông Trần Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Tam Nông cho rằng, tổ nông dân hùn vốn cất nhà, mua sắm tài sản là mô hình phù hợp nhằm nâng cao mức sống của nông dân, tạo nên bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần thực hiện thành công tiêu chí xây dựng nông thôn mới về nhà ở.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội ND các xã-thị trấn vận động trong cán bộ, hội viên xây dựng thêm các tổ hùn vốn, phấn đấu đến hết năm toàn huyện cất được 60 căn nhà…”-ông Dũng cho hay.
Toàn huyện Tam Nông đã thành lập 30 tổ nông dân tự hùn vốn xoay vòng cất nhà kiên cố với 318 thành viên, trong đó có 7 tổ hùn vốn đã hoàn tất chu kỳ (100% thành viên đã nhận được tiền hùn và cất được nhà).
Có thể bạn quan tâm

Khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác ở Bến Tre đã được hình thành sơ khai từ trước những năm 2000, nhưng là tự phát từ các thành viên trong gia đình hay bạn bè thân thuộc khai thác cùng nghề, cùng ngư trường.

Cũng như nhiều người khác, hành trình làm giàu của chị Triệu Thị Liên, người Dao đỏ, ở thôn Nà Luồng, thị trấn Đông Khê (Thạch An - Cao Bằng) đã nếm trải không ít thất bại. Bây giờ, khi đã gặt hái thành công, chị đúc kết lại: “Muốn làm giàu, ngoài sự cần cù, chịu khó cần phải năng động, sáng tạo nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương”.

Đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng và hoàn thành cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) với tổng diện tích 830ha.

Với 15ha đồi rừng, 1ha ao thả cá cộng với 2 dãy chuồng nuôi lợn được áp dụng theo mô hình vườn-ao-chuồng-rừng (VACR), gia đình chị Văn Thị Xuân ở tổ 8A, thị trấn Yên Bình (Yên Bình - Yên Bái) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Từ chỉ vài gia đình, đến nay mô hình cá trê lai bể ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế đã phát triển lên con số hơn 200 hộ. Việc tự phát mở rộng sản xuất một cách ồ ạt đã khiến cho đầu ra của sản phẩm ngày càng khó khăn.