An cư lạc nghiệp nhờ tổ hùn vốn của Hội

Nhiều năm nay, mô hình Tổ nông dân tự hùn vốn xoay vòng xây nhà kiên cố do Hội nông dân (ND) huyện Tam Nông tổ chức, chỉ đạo đã giúp hàng trăm hộ “an cư lạc nghiệp” trong những ngôi nhà an toàn, khang trang.
Có nhà lớn nhờ tổ hùn vốn
Theo quy ước, vào cuối 3 vụ lúa trong năm, các tổ hùn vốn này họp và chọn ra 3 hộ được nhận vốn góp của các thành viên để cất nhà kiên cố.
Mỗi hộ được nhận từ 50 - 80 triệu đồng.
Ông Trần Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Tam Nông cho biết: “Thực hiện chủ trương của Hội ND tỉnh và của Huyện ủy, hàng năm Hội ND huyện xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo Hội ND các xã, thị trấn thực hiện, vận động trong cán bộ, hội viên nông dân và các Mạnh Thường Quân để hỗ trợ các tổ hùn vốn cất nhà.
Qua cuộc vận động, hầu hết bà con đều thấy được hiệu quả nên rất tha thiết tham gia vào tổ này…”.
Một trong những ngôi nhà của thành viên tổ hùn vốn cất nhà xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông (Đồng Tháp).
Theo ông Dũng, chỉ tính từ đầu năm đến nay, các tổ nông dân hùn vốn đã cất được hàng trăm căn nhà kiên cố với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng.
Gia đình ông Trần Hiếu Nhi ở ấp K12, xã Phú Hiệp trước đây sống trong căn nhà gỗ lụp xụp.
Sau khi tham gia tổ hùn vốn và được xét chọn, nhận được 80 triệu đồng vốn vào cuối vụ thu đông năm 2014, cộng với vốn tích lũy được trong những năm qua, ông Nhi đã xây dựng được căn nhà tường khang trang, rộng rãi, nền lót gạch bông trị giá trên 200 triệu đồng.
Ông Nhi bày tỏ: “Nếu không tham gia tổ, không có anh em cho mượn tiền để cất nhà thì mình khó xây dựng được căn nhà khang trang như vậy”.
Hỗ trợ nhau một cách thiết thực
Mô hình tổ hùn vốn cất nhà đang được Hội ND nhân rộng ra khắp các xã, thị trấn của huyện Tam Nông.
Ông Đoàn Văn Ân - Chủ tịch Hội ND xã Phú Đức cho biết: “Nếu như một hộ đứng ra cất nhà thì gặp khó vì phải có số tiền lớn.
Giải quyết cái khó này, Hội đã thành lập được 2 tổ nông dân tự hùn vốn xoay vòng cất nhà kiên cố ở ấp K8 và ấp K9.
Mỗi tổ có 12 hội viên tham gia tự nguyện hùn vốn từ 3 triệu đồng/đợt 3 tháng.
Đến nay, 2 tổ đã cất hoàn thành 10 căn nhà kiên cố.
Trị giá mỗi căn nhà từ trên 100 triệu đồng đến gần 400 triệu đồng.
Sắp tới chúng tôi sẽ thành lập ở mỗi ấp 1 tổ hùn vốn cất nhà…”.
Ngoài tổ hùn vốn cất nhà, Hội ND các cấp huyện Tam Nông còn chỉ đạo thành lập 8 tổ hùn vốn mua sắm tài sản với 88 thành viên.
Các thành viên đã góp vốn trên 718 triệu đồng để giúp nhau luân phiên có tiền lớn mua sắm tài sản.
Từ đầu năm đến nay, các tổ hùn vốn này đã giúp cho hơn 60 hộ có tiền từ 2-10 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị thiết yếu trong cuộc sống.
Ông Trần Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Tam Nông cho rằng, tổ nông dân hùn vốn cất nhà, mua sắm tài sản là mô hình phù hợp nhằm nâng cao mức sống của nông dân, tạo nên bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần thực hiện thành công tiêu chí xây dựng nông thôn mới về nhà ở.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội ND các xã-thị trấn vận động trong cán bộ, hội viên xây dựng thêm các tổ hùn vốn, phấn đấu đến hết năm toàn huyện cất được 60 căn nhà…”-ông Dũng cho hay.
Toàn huyện Tam Nông đã thành lập 30 tổ nông dân tự hùn vốn xoay vòng cất nhà kiên cố với 318 thành viên, trong đó có 7 tổ hùn vốn đã hoàn tất chu kỳ (100% thành viên đã nhận được tiền hùn và cất được nhà).
Có thể bạn quan tâm

Trước đây, do chỉ độc canh cây lúa, hiệu quả thấp, đời sống gia đình anh Lê Hồng Phương (xã Tân Quý Tây, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) thường thiếu trước, hụt sau. Năm 2001, khi về quê vợ ăn giỗ nghe nói ở đây có người “phất” lên nhờ trồng củ cải trắng, thế là anh khăn gói “tầm sư học đạo”.

Trước tình hình khó khăn trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ đông xuân ở ĐBSCL, TCty Lương thực Miền Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang khẩn trương triển khai hoặc chuẩn bị kế hoạch thu mua tạm trữ gần 3 triệu tấn quy gạo.

Cây trồng được cung cấp đầy đủ, cân đối và kịp thời những chất dinh dưỡng cần thiết để cho cây có đủ sức khỏe đạt năng suất cao, phẩm chất tốt; duy trì và không ngừng làm tăng độ phì nhiêu (độ màu mỡ) của đất; đem lại lợi nhuận cao nhất và ổn định cho người sản xuất; phù hợp với tập quán trình độ và điều kiện sản xuất hiện tại.

Trong cuộc gặp gỡ đầu năm của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) diễn ra chiều 20-2 tại TP HCM, doanh nghiệp tập trung kiến nghị về ba vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh thủy sản hiện nay. Đó là thiếu nguồn giống chất lượng và sạch bệnh, thiếu nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh và hiện trạng không thể kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày 29/5/2012 tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã tổ chức hội thảo “Đánh giá khả năng áp dụng các tiêu chuẩn xã hội và môi trường đối với nuôi cá tra thương phẩm trong phạm vi các hộ nuôi quy mô nhỏ tại Việt Nam” nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các bên liên quan. Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan nghiên cứu như Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN và PTNT), Sở NN và PTNT tỉnh Đồng Tháp và An Giang và đại diện các tổ chức WWF, Oxfam Novib, Trung tâm Hợp tác quốc tế Hội Nghề cá Việt Nam (ICAFIS) đã tham dự.