Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ăn Cơm Nắm, Thành... Tỷ Phú Trên Vùng Đất Đồi Quảng Ngãi

Ăn Cơm Nắm, Thành... Tỷ Phú Trên Vùng Đất Đồi Quảng Ngãi
Ngày đăng: 11/09/2014

48 tuổi đời, hơn 30 năm kinh nghiệm làm nông, anh Từ Đình Vang (thôn Cù Và, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã có được cơ ngơi bạc tỷ.

Anh Vang tâm sự: “Tôi lập gia đình đầu năm 1993, hai vợ chồng ra riêng với 1,5 sào ruộng được cha mẹ chia cho. Không có lấy một đồng vốn lận lưng, làm gì để có cái ăn và có tiền lo cho đứa con sắp chào đời. Nhiều đêm trăn trở, vợ chồng tôi bàn tính chuyện khai hoang vùng đất đồi dọc theo sông Giang để lấy đất trồng trọt, chăn nuôi”.

Thế là ngày ngày vợ chồng anh cơm nắm mang theo để cuốc, xới, thu dọn từng viên đá sỏi để có mặt bằng rộng hơn 3ha. Ban đầu anh trồng mì, bắp, đậu, rau để lấy cái ăn, cái tiêu hàng ngày.

Đất không phụ công người, hoa màu ngày một xanh tốt mang lợi cho đôi vợ chồng trẻ. Phấn chấn, vợ chồng anh tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích làm trang trại, làm mương thủy lợi dẫn nước tưới từ sông Giang vào vườn rừng. Từ năm 1993 - 2000 vợ chồng anh đã khai hoang được hơn 9ha đất đồi và san lấp, làm thủy lợi để trồng keo, hồ tiêu và các loại hoa màu như: Bắp, mì, đậu…

Anh Vang tâm sự: “Làm giàu không khó nhưng cũng đâu phải là chuyện dễ, nếu như không có quyết tâm và cần cù, chịu khó”. Trước năm 2000, anh chưa nắm vững kỹ thuật, không am hiểu cách chọn cây, con giống nên đã từng thất bại trong việc đầu tư trồng hơn 7ha điều. Cây hơn 5 năm tuổi nhưng ra hoa mà không đậu quả… Thế là bao nhiêu công sức và vốn liếng theo cây điều thành củi khô.

Không nản, vợ chồng anh chặt điều để trồng 5ha keo lai. Diện tích còn lại anh trồng tre lấy măng (măng Bát Độ) và hoa màu.

“Keo lai phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, thường thì ở những nơi khác trồng keo phải hơn 5 năm tuổi mới khai thác nhưng ở đây chỉ khoảng 4 năm keo đã khai thác được và sản lượng lại cao. Gia đình tôi khấm khá lên từ cây keo. Có vốn, tôi trồng hơn 1.000 gốc tiêu và đào ao thả cá, chăn nuôi bò, heo, gà...”- anhVang cho hay.

Giờ đây, trang trại của anh có 1.000 gốc tiêu đã cho thu hoạch hơn 5 năm, mỗi năm hơn 1 tấn, thu nhập khoảng 200 triệu đồng; đàn bò lai 9 con, trong đó có 4 con bò cái sinh sản và 1 con đực giống; 7ha keo lá tràm đã gần 3 năm tuổi; 500 gốc tre lấy măng; 1 ao cá hơn 500m2 và 2ha trồng mì, bắp, đậu lấy thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Để sản xuất và vận chuyển nông sản thuận lợi, anh mua máy băm đất, máy cắt, máy phát điện và một xe chuyên dụng để chở hàng hóa, vật tư nông nghiệp. Trang trại của anh tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với lương từ 2,5 - 2,7 triệu đồng/người/tháng. Từ hai bàn tay trắng ngày nào, giờ đây, vợ chồng anh đã có cơ ngơi bề thế với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Thu nhập hàng năm của gia đình anh sau khi trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, tháng 7.2013, anh xây chuồng trại để nuôi 3 con hươu sao lấy nhung với tổng kinh phí hơn 55 triệu đồng. Trong đó, Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ 2 con hươu sao giống trị giá 25 triệu đồng. "Đây là con vật nuôi mới ở địa phương tôi, nhưng nuôi hươu sao không khó” - anh Vang chia sẻ. Ba chú hươu sao của anh rất mau lớn, khỏe mạnh, chẳng bao lâu nữa sẽ cho nhung.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ba Ba Ở Kiến Xương (Thái Bình) Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ba Ba Ở Kiến Xương (Thái Bình)

Những năm qua, phong trào nuôi trồng thủy sản ở Kiến Xương (Thái Bình) ngày càng phát triển với nhiều đối tượng vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến ba ba. Nhờ mạnh dạn đưa ba ba vào nuôi, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

05/10/2012
Tháo Dỡ Bè Nuôi Tôm Hùm Trái Phép Ở Ninh Thuận Tháo Dỡ Bè Nuôi Tôm Hùm Trái Phép Ở Ninh Thuận

Ngày 5-10, UBND TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã tổ chức lực lượng cưỡng chế, tháo dỡ hàng loạt bè nuôi tôm trái phép tại khu vực gần bãi tắm Bình Sơn - Ninh Chữ.

06/10/2012
Trồng Mận Kinh Tế Cao Trồng Mận Kinh Tế Cao

Mận (roi) là giống cây ăn trái được trồng nhiều nơi trên thế giới. Ở nước ta, mận được trồng phổ biến ở miền Tây và Đông Nam Bộ, thích hợp ở nhiệt độ từ 28 - 30oC.

06/10/2012
Mô Hình Công Thức Phân Bón Cho Cây Lúa Hiệu Quả Ở Cà Mau Mô Hình Công Thức Phân Bón Cho Cây Lúa Hiệu Quả Ở Cà Mau

Nhiều năm qua, nông dân trồng lúa ở Cà Mau sử dụng phân bón không theo một công thức nào mà chỉ bón theo cảm tính nên chi phí dành cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khá lớn. Việc áp dụng công thức phân bón cho cây lúa tại ấp 6, xã Khánh Hòa đã mang lại triển vọng giảm chi phí sản xuất của một vụ lúa…

07/10/2012
Tín Hiệu Vui Từ Mô Hình Trồng Hoa Lan Thương Phẩm Tín Hiệu Vui Từ Mô Hình Trồng Hoa Lan Thương Phẩm

Cuối tháng 10-2012, thực hiện chuyển giao mô hình sản xuất cấp huyện, Hội Nông dân huyện Ninh Sơn ký kết hợp đồng kinh tế với ông Cao Ngọc Sinh Yên (Phan Rang – Tháp Chàm) triển khai thí điểm mô hình trồng hoa lan (loại Dendro) tại khu phố 6, thị trấn Tân Sơn. Sau gần 7 tháng thực hiện, mô hình đã mang lại nhiều tín hiệu vui cho người trồng.

30/07/2013