Ấm No Nhờ Biển

Niềm vui ánh lên trên khuôn mặt mọi người khi từng đoàn ghe no cá cặp bến sau chuyến đi biển dài ngày. Những chuyến đi biển cuối năm mang về vị ngọt của biển khơi, đem lại sắc xuân ấm nồng, hạnh phúc của những làng cá. Cửa biển Cái Đôi Vàm mới hơn, vui hơn và cũng nhộn nhịp hơn với cuộc sống đầy đủ hơn nhờ biển.
“Cái Đôi Vàm phát triển gấp mấy trăm lần so với năm 1977, lúc bọn tui xuống lập nghiệp. Hồi đó, rừng rú bít bùng, đâu có đường đi, lội bộ rã chân mới gặp được nóc nhà. Cũng chưa có điện, đường, trường, trạm gì ráo. Biển trúng nhưng giá thấp vì thế đời ngư phủ cũng nhọc nhằn dữ lắm.
Năm nay coi bộ ngư dân ăn Tết lớn. Sáu chục ghe cá chuyến này đều trúng mùa, sản lượng đánh bắt cả ngàn tấn. Bà con phấn khởi mần cá nguyên đêm không biết mệt. Trừ hết chi phí, lãi ròng cỡ hơn ba trăm triệu, chia cho anh em đi ghe bạn mỗi người cũng phải chục triệu”, ông Tư Bề (khóm 6), chủ 3 tàu cá, cho biết.
Đi giữa trung tâm thị trấn, mọi người đã nghe hương cá mà cảm nhận một cái Tết no ấm đang đến rất gần sau chuyến đi biển trúng đậm mực, cá, tôm, vui hơn nữa là trúng giá. Nếu như mực tươi thời điểm cuối năm 2012 và trước đó giá bình quân 100.000 đồng/kg thì hiện nay tăng lên 150.000 đồng/kg; mực khô loại I từ 500.000 đồng/kg tăng lên 600.000-700.000 đồng/kg.
Vừa từ bến neo đậu tàu thuyền trở về nhà, ngư phủ Nguyễn Văn Dũng (khóm 6), hồ hởi khoe: “Năm nay nhà tui ăn Tết lớn!”.
Tuy chỉ mới bước qua tuổi 40 nhưng anh được xem là một trong những ngư phủ dày dạn kinh nghiệm. Với chiếc tàu cá có công suất 200 CV, anh cùng với 6 bạn chài khai thác hải sản xa bờ. Được mùa lại được giá, nên sau những chuyến ra khơi anh thu về hàng trăm triệu đồng.
Riêng với những người đi ghe bạn cùng anh cũng được chia khoảng 30 triệu đồng/người. Với 3 chiếc tàu đi biển hiệu quả, gia đình anh tạo công ăn việc làm cho gần 40 hộ ngư dân.
Năm nay sẽ có khoảng 80% ngư phủ theo tàu ra biển và độ mùng 9, mùng 10 tháng giêng mới trở về đất liền.
Diện mạo thị trấn Cái Đôi Vàm hôm nay khác xa với năm 1994 khi mới thành lập. Cái Đôi Vàm đang định hình từng nét đặc trưng và khẳng định thế mạnh của địa phương trong nhiều chương trình hành động từ những quyết sách về an dân, đến những thành tựu về kinh tế - văn hoá - xã hội, định hình phát triển bền vững. Điều ghi nhận đầu tiên là các công trình điện, đường, trường, trạm, chợ ngày càng phát triển và nâng cấp, đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân.
Hơn thế nữa, làng nghề truyền thống cá khoai, cá mai được chú ý hơn bằng việc thành lập hợp tác xã liên kết các chủ ghe. Đặc sản cá khoai, cá mai đã vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia khi được giới thiệu và bày bán ở một số nước thuộc khu vực châu Á.
“Vào mùa cá mai, riêng xưởng cá của tui cũng thu hút hơn trăm nhân công. Thu nhập khá nên nghề làm cá khô đã trở lại và phát triển hơn. Cá mai mỗi năm xuất khẩu hơn ngàn tấn. Ngư dân sống cũng đỡ lắm chớ không đói như xưa”, cô Năm Sữa, chủ vựa cá mai, tự tin khoe.
Năm nay, ngư dân Cái Đôi Vàm đã thành lập những đội tàu tự quản tương trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt xa bờ và bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Bên trong những con số khô khan kia còn là nước mắt, nụ cười, nỗ lực vượt khó của hàng trăm ngư phủ ở thị trấn này.
Buổi sớm trên cửa biển Cái Đôi Vàm, mọi ngã đường mở ra đón cá về bãi, cá ra chợ, từng gánh cá theo bước chân dẻo của các mẹ, các chị đi đến các khóm, ấp. Lưới trắng xốp như mây được những người thợ vá lưới tay thoăn thoắt đưa mũi khâu.
Phía cuối thị trấn, những con thuyền nghỉ vừa qua cơn mệt chuẩn bị ra khơi mùa trăng mới. Dãy rừng phòng hộ mướt xanh rì rào lá reo cùng sóng vỗ mang hơi thở nồng ấm mùa xuân xứ biển quyện giao với lòng người hân hoan một mùa no đủ.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, công dụng của xạ đen được biết đến nhiều như hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, viêm gan B, các bệnh về gan, dùng hàng ngày để tăng cường sức khỏe, phòng - chống bệnh tật và ngăn ngừa ung thư

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, từ cuối tháng 8 đến nay, toàn tỉnh không phát hiện thêm diện tích sắn bị bệnh rệp sáp bột hồng (RSBH) lây lan, gây hại.

Nhằm đưa các giống mì mới có năng suất cao vào thay thế các giống mì cũ để tăng thu nhập cho người dân, năm 2015, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã triển khai “Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng mì giống mới KM140 và KM419 tại 2 xã Lơ Ku và Đak Smar.

Trạm Khuyến nông Châu Phú (An Giang) phối hợp Trạm Bảo vệ thực vật huyện và Công ty Chang Woo Jin (Hàn Quốc) đang vận động nông dân trồng khoai lang Nhật.

Với cây ngô vụ đông, cần chú ý phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại sau đây: sâu xám, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh sọc lá, bệnh lùn sọc đen...