Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ai Mua Mía Không!

Ai Mua Mía Không!
Ngày đăng: 17/09/2014

Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào niên vụ sản xuất mía đường năm 2014-2015, trong điều kiện giá mía nguyên liệu thấp, sản lượng đường tồn kho cao và khó tiêu thụ khiến nhà máy và nông dân khốn đốn. Khó khăn là vậy, nhưng một số nhà máy đường lại bị Bộ TN-MT đề nghị đình chỉ hoạt động do gây ô nhiễm, đẩy hàng loạt hộ trồng mía vào cảnh chới với vì chẳng biết bán mía cho ai?

Giá thấp, thiếu người mua

Những ngày giữa tháng 9, chúng tôi về các xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, Hòa Mỹ… thuộc huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), nơi đang vào vụ thu hoạch mía sớm nhất ở ĐBSCL.

Dù mới đầu vụ nhưng nhiều hộ không vui bởi giá quá thấp. Ông Phạm Văn Quốc, canh tác 14 công mía ở xã Hiệp Hưng, lo lắng: “Giá mía đầu vụ chỉ 700 - 800 đồng/kg, nhưng người mua rất ít; tình hình này nông dân từ hòa tới lỗ, bởi các khoản chi phí đều cao”. Ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ 200 tấn mía ở xã Hiệp Hưng, nhìn nhận, không khí vào vụ mới rất ảm đạm bởi cây mía ngày càng mất thế cạnh tranh.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp người trồng mía sống trong tâm trạng âu lo do giá tệ hại. Theo Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, dù đây là vùng chuyên canh mía chủ lực của tỉnh Hậu Giang và ĐBSCL, nhưng vụ này diện tích mía của huyện chỉ đạt 8.345ha, giảm khoảng 1.200ha so với vụ trước. Hiện tại vụ mía mới đã bắt đầu nhưng thương lái và nhà máy thu mua “lèo tèo” khiến nông dân lo lắng.

Tại Cà Mau, hàng loạt hộ trồng mía đang mất ngủ bởi ngày thu hoạch đã cận kề nhưng nhà máy đường vẫn “án binh bất động”, chưa nói bao giờ thu mua, giá cả ra sao... Nguyên nhân do Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam, đặt tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau (quản lý 2 xí nghiệp đường Cà Mau và Kiên Giang) vừa bị Bộ TN-MT đề nghị tạm đình chỉ hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ông Đặng Văn Lượm, Phó chủ tịch UBND xã Trí Phải, trăn trở: “Mấy ngày nay nông dân bất an vì chuyện bán mía, bởi Xí nghiệp đường Cà Mau chưa hoạt động nên không thể mua mía.

Xã đang “cầu cứu” các nhà máy ở những tỉnh khác nhưng ai cũng lắc đầu do đường vận chuyển xa sẽ không hiệu quả. Tại Trà Vinh, tình hình cũng tương tự bởi nhà máy đường của tỉnh này cũng đang bị Bộ TN-MT “tuýt còi” vì vi phạm ô nhiễm kéo dài nhưng chưa có biện pháp khắc phục. Hàng ngàn hộ trồng mía ở Trà Vinh phập phồng vì chưa biết bán đi đâu?

Nông dân khó, các nhà máy đường cũng tương tự. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nhiều nhà máy đang rối bời khi vụ mía đường mới chuẩn bị khởi động nhưng sản lượng đường của niên vụ trước vẫn còn tồn kho hơn 300.000 tấn. Nếu những năm trước giá đường đầu vụ dao động 14.000 - 15.500 đồng/kg, nay chỉ còn 12.000 đồng/kg. Với giá này, các nhà máy càng chạy nhiều càng lỗ nặng, nên ai cũng dè chừng.

Bộ kiên quyết, địa phương tự quyết

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Dương Tiến Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tình hình tiêu thụ mía cho dân đang rối bời như canh hẹ. Hồi cuối tháng 7-2014, Bộ TN-MT có công văn yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động từ 9 đến 12 tháng đối với Xí nghiệp đường Cà Mau vì vi phạm luật bảo vệ môi trường.

Sau đó, UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ TN-MT xem xét cho gia hạn thời gian hoạt động đến ngày 30-6-2015. Nguyên nhân do đang vào vụ thu hoạch mía, nếu đình chỉ hoạt động xí nghiệp thì 1.832ha mía của 1.700 hộ thuộc các huyện Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời sẽ không có nơi thu mua.

Dân không bán được mía sẽ kéo theo bất ổn về kinh tế - xã hội… UBND tỉnh cũng cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc Xí nghiệp đường Cà Mau khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định và quản lý chặt trong quá trình gia hạn…

Tuy nhiên, phía Bộ TN-MT không đồng ý”. Phía UBND tỉnh Trà Vinh cũng vừa có văn bản xin gia hạn mốc thời gian xử lý Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh sang cuối tháng 4-2015, nhằm tạo điều kiện cho công ty khắc phục ô nhiễm và thu mua mía cho dân ngay thời điểm khó khăn hiện nay.

Kiến nghị là vậy, song mới đây Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang ký Công văn số 3707/ BTNMT-TCMT ngày 28-8-2014, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tạm đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh và Xí nghiệp đường Cà Mau vì gây ô nhiễm nghiêm trọng. Giao UBND tỉnh Trà Vinh và UBND tỉnh Cà Mau chủ động giải quyết việc thu mua mía của nông dân, trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền địa phương, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo…

Với quan điểm dứt khoát của Bộ TN-MT, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau nhìn nhận rất khó giải quyết việc tiêu thụ hàng ngàn hécta mía cho dân trong thời buổi ngành mía đường khủng hoảng.

* Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, cho rằng: “Dù việc tiêu thụ đường đang rất khó, nhưng VSSA đã làm việc với các nhà máy đường ở ĐBSCL và thống nhất ngày 20-9 sẽ chính thức vào vụ mía mới. Theo đó, các nhà máy sẽ áp giá mua mía tại ruộng 800 đồng/kg (loại 10 chữ đường); các nhà máy căn cứ vào đoạn đường vận chuyển xa hay gần để tính mức thu mua cho phù hợp”.


Có thể bạn quan tâm

Chọn Lực Đẩy Từ Cây, Con Đặc Sản Chọn Lực Đẩy Từ Cây, Con Đặc Sản

Địa hình đồi núi, ruộng bậc thang, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí hạn chế... đang là những cản trở lớn khiến việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Cao Phong khó khăn.

29/08/2013
Những Con Bò Xóa Nghèo Từ Dự Án Heifer Ở Bến Tre Những Con Bò Xóa Nghèo Từ Dự Án Heifer Ở Bến Tre

Bắt đầu từ xã Thới Thạnh (Bến Tre), năm 2008, Dự án Heifer đầu tư cho địa phương 40 con bò (trị giá ban đầu mỗi con hơn 10 triệu đồng, trọng lượng khoảng 180 kg) dành cho những hộ nghèo, cận nghèo, hộ chí thú làm ăn và có đất chăn nuôi (đất làm chuồng, trồng cỏ, có người chăn).

18/10/2012
Chuyển Dịch Cơ Cấu Cây Trồng Tạo Vùng Sản Xuất Ổn Định Chuyển Dịch Cơ Cấu Cây Trồng Tạo Vùng Sản Xuất Ổn Định

Mặc dù Bắc Kạn chưa phải là vùng kinh tế trọng điểm như các tỉnh bạn nhưng so với những ngày đầu tái lập (năm 1997) với điểm xuất phát cực thấp thì thấy rằng sau 16 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã khá rõ nét. Giờ đây Bắc Kạn đã có vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng cây công nghiệp ngắn ngày, vùng trồng cây lương thực, cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc…

29/08/2013
Khoanh Vùng Bệnh Đốm Trắng Trên Tôm Sú Tại Hoằng Hóa (Thanh Hóa) Khoanh Vùng Bệnh Đốm Trắng Trên Tôm Sú Tại Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

Vừa qua, một số ao nuôi tôm sú tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) xuất hiện tôm chết (khoảng 2 triệu con). Sau khi biết tin, các cán bộ phòng nông nghiệp huyện cùng Chi cục Thú y tỉnh đã xuống các đồng nuôi kiểm tra, lấy mẫu đi phân tích.

10/05/2013
Đề Nghị Hỗ Trợ 80 Tấn Hóa Chất Chlorine Xử Lý Ao Nuôi Tôm Đề Nghị Hỗ Trợ 80 Tấn Hóa Chất Chlorine Xử Lý Ao Nuôi Tôm

UBND tỉnh Trà Vinh vừa có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ 80 tấn hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh, xử lý môi trường vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh. Hiện diện tích tôm chết trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có dấu hiệu lây lan, phải được khống chế kịp thời, nhưng lượng hóa chất Chlorine của Bộ NN&PTNT cấp cho tỉnh năm 2012 đến nay đã sử dụng hết.

04/06/2013