Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

9.000 tỷ đồng và củ sâm

9.000 tỷ đồng và củ sâm
Ngày đăng: 29/09/2015

Lớn hơn, từ đây có thể mở ra việc tạo dựng tên tuổi của sâm Ngọc Linh trên trường quốc tế.

Đoàn công tác của huyện Nam Trà My vừa đi tham quan xứ sở sâm Hàn Quốc về. Nhiều người có chung ý kiến: chỉ tại một quận của người ta mà đã có viện nghiên cứu sâm!

Chu trình trồng, bảo quản, nhân giống, chế xuất thành phẩm là cực kỳ hiện đại và khép kín.

Một người có thâm niên trong nghề nghiên cứu liên quan lĩnh vực này có lần đặt câu hỏi: trữ lượng sâm của Hàn Quốc có bao nhiêu đâu mà ở thức ăn, đồ uống, dầu gội đầu, thuốc tây…, cái gì người ta cũng đưa thành phần sâm trong đó? Và câu trả lời là nó sinh ra từ phòng thí nghiệm.

Thuật ngữ chuyên môn là sinh khối. Họ dốc sức cho khoa học nghiên cứu để phát triển sâm.

Có thêm một chuyện nữa không mấy liên quan đến sâm, nhưng nó lại nằm trong chuỗi chiến lược tầm nhìn của Hàn Quốc về phát triển thương hiệu.

Cách đây  gần 15 năm, Chính phủ Hàn Quốc đã đổ ngân sách vào điện ảnh, truyền hình với ý đồ trong vòng 10 năm, những cái gọi là quốc hồn quốc túy, những sản phẩm phục vụ văn hóa, tiêu dùng của Hàn Quốc, không những được thế giới biết đến mà còn hồi hộp chen lấn đón nhận.

Hình ảnh tóc nhuộm vàng, môi trầm, sửa mũi, nâng cằm, son môi, kim chi, sâm, mỳ, nước tương… gắn liền với những bộ phim tình cảm ướt át mà không kém gay cấn kéo dài hàng trăm tập.

Nội dung phim chẳng có chi ghê gớm nhưng đầy ma mị, trên cái nền là quốc hồn quốc túy đó.

Ví dụ đánh nhau giành giựt chí tử về cái gọi là bếp trưởng của công ty chuyên sản xuất mỳ truyền thống.

Người xem muốn thấy nhân vật mình yêu ghét ra sao, đành phải ngắm nghía đặc sản của người ta. Xem miết, nhập tâm lúc nào không biết. Vài tháng sau, đặc sản đó tràn sang siêu thị nước mình, thế là tranh nhau mua…

Nói điều đó để quay lại với sâm Ngọc Linh. Chúng ta quá muộn màng để cái tên Ngọc Linh trở thành quen thuộc với thế giới khi nghĩ đến sâm (có ý kiến chưa được kiểm chứng, là một người nào đó ở Mỹ đã công bố sâm Ngọc Linh chính là củ tam thất, và rằng nếu Việt Nam muốn cải chính giành lại, thì đây là điều cam go).

Bây giờ có dự án lớn, và dự án này vượt khỏi tầm huyện Nam Trà My lẫn tỉnh. Địa phương có giống, có đất; Trung ương có các nhà khoa học.

Mà đây chính là câu chuyện đau đầu nhất. Làm sao chặn đứng tư duy khoa học nhiệm kỳ, ở chính các nhà khoa học lẫn hành chính. Lập dự án để xài ngân sách, hết tiền là chấm dứt, hiệu quả ra sao không cần biết. Hành chính hóa khoa học, người lãnh đạo không có chuyên môn nhưng can thiệp vô tội vạ vào khoa học, thì tất dẫn tới chuyện nghiên cứu và phát triển đi vào ngõ cụt.

Nhà khoa học cố đua để lấy ngân sách, sẽ đẻ ra sản phẩm nửa dơi nửa chuột. Cần lắm tầm nhìn chiến lược và nhất quán, rằng đầu tư cho sâm

Ngọc Linh để thành một thương phẩm nổi tiếng và ổn định, lưu hành rộng rãi, đại chúng là chuyện không thể ngày một ngày hai. Mà đã như vậy, thì không thể làm ăn kiểu được chăng hay chớ. Tâm lý thấy tiền lớn là xé ra, dàn trải, là thất bại.

Nhà nước và doanh nghiệp bỏ tiền ra làm, cái đích cuối cùng là dân sở tại thoát nghèo, làm giàu từ sâm, thương hiệu sâm Ngọc Linh được thế giới đón nhận; doanh nghiệp làm giàu từ sâm, nhưng không bóp cổ bắt chẹt dân khi đã thâu tóm được giống và đất.

Đó chính là đích đến vững vàng nhất và cần nhất, để 9.000 tỷ đồng đổi củ sâm là xứng đáng!


Có thể bạn quan tâm

Đẩy Mạnh Phòng Chống Dịch Bệnh Cá Tra Đẩy Mạnh Phòng Chống Dịch Bệnh Cá Tra

Từ năm 2014 đến nay, dịch bệnh trên cá tra đã xuất hiện tại 67 xã thuộc 19 huyện của 4 tỉnh là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Hậu Giang, với tổng diện tích bị bệnh trên 730 ha (chiếm 12% tổng diện tích nuôi cá tra cả nước).

22/01/2015
Huyện Phú Tân (Cà Mau) Nuôi Sò Ven Sông Cho Thu Nhập Khá Huyện Phú Tân (Cà Mau) Nuôi Sò Ven Sông Cho Thu Nhập Khá

Thời gian nuôi sò huyết từ 8 tháng đến một năm. Phần lớn bà con sử dụng lưới mành để bao xung quanh trên các bãi đất bồi ven sông và thả sò nuôi. Có hộ thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, loại hình nuôi này cần được sắp xếp ổn định nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện thủy.

22/01/2015
Hạ Thủy Tàu Cá Thay Thế Tàu Bị Trung Quốc Đâm Chìm Hạ Thủy Tàu Cá Thay Thế Tàu Bị Trung Quốc Đâm Chìm

Ngày 21-1, gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tổ chức lễ hạ thủy tàu cá ĐNa 90657 TS - thay thế tàu cá ĐNa 90152 bị Trung Quốc đâm chìm vào ngày 26-5-2014 khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

22/01/2015
Tôm Hùm Giống Ở Bình Định Được Mùa, Được Giá Tôm Hùm Giống Ở Bình Định Được Mùa, Được Giá

Tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), trong những ngày này, cứ tầm 7 - 8 giờ sáng hàng ngày, lần lượt các ghe máy, thuyền thúng sau một đêm “săn” THG lại cập bến. Ngư dân Nguyễn Văn Hải chỉ vào xô nhựa đang đựng nửa lằm (50 con) THG, cho biết: “Hổm rày THG xuất hiện dày ở quanh các đảo nên ai cũng trúng, có người trúng 1 - 2 lằm/đêm, còn trúng nửa lằm như tui thì đếm không xuể”.

22/01/2015
Quảng Ngãi Chi Hơn 140 Tỷ Đồng Hỗ Trợ Ngư Dân Quảng Ngãi Chi Hơn 140 Tỷ Đồng Hỗ Trợ Ngư Dân

Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2014 đã thực hiện chi hỗ trợ cho 1.021 lượt tàu cá của ngư dân trong tỉnh theo Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí hơn 140 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ nhiên liệu 137,5 tỷ đồng, kinh phí còn lại là hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên và máy thông tin liên lạc.

22/01/2015