78% Nấm Nhập Khẩu Từ Trung Quốc

Dù thừa nhận thời gian bảo quản nấm chỉ từ 7-10 ngày, nhưng ông Huỳnh Tấn Đạt, trưởng phòng quản lý an toàn thực phẩm và môi trường Cục Bảo vệ thực vật, cho biết cơ quan chức năng chưa phát hiện có sự bất thường của nấm Trung Quốc.
Ông Đạt cho biết VN hiện nhập nấm từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Úc... trong đó Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp lớn nhất do đây là nước có ngành sản xuất nấm phát triển, lại giáp biên giới với VN.
Theo thống kê, trong sáu tháng đầu năm 2014 tổng lượng nấm nhập khẩu về VN lên tới gần 8.000 tấn, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lượng nấm nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 78,01% tổng lượng nấm nhập khẩu. Tuy nhiên, đến nay Cục Bảo vệ thực vật chưa phát hiện mẫu nấm nhập khẩu có hoạt chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản vượt mức tối đa cho phép.
* Khi nhập khẩu vào VN, mặt hàng nấm phải trải qua các công đoạn kiểm tra nào, thưa ông?
- Hiện nay, phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu của VN cũng tương tự của các nước đang nhập khẩu nông sản thực phẩm của VN và tuân thủ thông lệ quốc tế.
Các quốc gia trước khi xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật phải đăng ký hồ sơ xuất khẩu và kiểm tra tại nước xuất khẩu, phải được cơ quan có thẩm quyền của VN kiểm tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm và điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu, công nhận và đưa vào danh mục các nước được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào VN theo quy định.
Các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật hoặc được Cục Bảo vệ thực vật ủy quyền đã kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm và lấy mẫu kiểm nghiệm đối với lô hàng nhập khẩu tại cửa khẩu. Sau khi thông quan và lưu thông trên thị trường, lô hàng tiếp tục chịu sự kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng tại các địa phương, nếu phát hiện vi phạm trong quá trình lưu thông, các lô hàng vẫn được truy xuất nguồn gốc và xử lý theo quy định.
* Theo ghi nhận, nấm Trung Quốc bảo quản trong tủ lạnh có thể lên đến cả tháng. Liệu đây có phải là hiện tượng bình thường không, thưa ông?
- Với các phương pháp bảo quản thông thường, không sử dụng các công nghệ bảo quản thì nấm tươi để trong môi trường tự nhiên chỉ có thời gian bảo quản 3-5 ngày kể từ ngày thu hoạch, còn nếu bảo quản lạnh thời gian có thể kéo dài 7-10 ngày.
Tuy nhiên, thời gian bảo quản còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như giống nấm, công nghệ sản xuất, điều kiện bảo quản, xử lý trước khi đóng gói... Một số chất bảo quản hoặc xử lý, khử trùng bề mặt an toàn giúp kéo dài thời gian bảo quản cũng được phép sử dụng tại nhiều nước, kể cả các nước phát triển.
Hơn nữa, không loại trừ sau khi nhập khẩu vào VN nấm mới được sử dụng chất bảo quản, nên cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý thị trường địa phương để phát hiện các trường hợp sử dụng hóa chất bảo quản trái phép hoặc sử dụng với hàm lượng vượt mức cho phép.
Có thể bạn quan tâm

Mường Ảng là 1 trong 4 huyện được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông - lâm nghiệp, với khoảng 90% lao động nông nghiệp.

Tại xã Phú Sơn (Chợ Lách - Bến Tre), phong trào làm cây giống phát triển gần 10 năm nay, với 2 loại cây chủ lực là mít và xoài. Nhờ sản xuất cây giống, không ít hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Ngày 20.6, ông Nguyễn Đình Xuân – cán bộ khuyến ngư xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn (Bình Đinh) cho biết: Hơn một tuần qua, tôm hùm giống xuất hiện nhiều tại vùng biển ven bờ ở Nhơn Lý, thuyền của ngư dân chuyên làm mành tôm tập trung khai thác, một đêm mỗi thuyền khai thác được từ 30 – 100 con tôm hùm giống.

Dừa xiêm lùn là loại cây trồng thích nghi với nhiều vùng đất, có sức sinh trưởng và phát triển mạnh, chống chịu với sâu bệnh tốt, ngoài ra còn tạo cảnh quang, bảo vệ môi trường, che chắn gió bão,... Ngoài ra, dừa hiện nay được xem là loại cây ăn quả có nhiều tiềm năng và triển vọng, đem lại hiệu quả kinh tế cao và lợi ích xã hội.

“Nhiều mẫu mã trái cây khá đẹp nhưng chất lượng chưa cao. Nhà vườn cần đầu tư nhiều hơn nữa trong kỹ thuật chăm sóc”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nhấn mạnh như thế trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Đồng Khởi khi Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn năm 2013 vừa khép lại.