3 Giảm 3 Tăng Hiệu Quả Từ Một Mô Hình

Quảng Nam là một tỉnh nông nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chính với diện tích hơn 55.000 ha. Vụ hè thu 2011, được sự hỗ trợ của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Tam Kỳ và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Nam, Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp và PTNT Tam Kỳ đã xây dựng, trình diễn 12 ha lúa 3 giảm, 3 tăng kết hợp công cụ sạ hàng và sử dụng phân bón vi sinh. Đây là một biện pháp kỹ thuật tiến bộ nhằm tăng hiệu quả kinh tế, là một kỹ thuật mở để vận dụng vào sản xuất ở các tiểu vùng sinh thái, điều kiện sản xuất khác nhau còn khá mới mẻ.
Điểm khác nhau giữa mô hình 3 giảm, 3 tăng với các ruộng sản xuất đại trà là: sử dụng giống nguyên chủng PC6 (lúa chất lượng cao) với lượng giống 50 - 60 kg/ha, kết hợp công cụ sạ hàng để giảm lượng giống gieo sạ, điều tiết mật độ cây thích hợp và giảm công lao động, sử dụng phân bón vi sinh để thay thế 50% lượng phân đạm và lân, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho lúa trong thời gian 40 ngày sau sạ. Ruộng đại trà bà con nông dân thường sử dụng 80 - 100 kg giống/ha, lượng phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật tương đối cao. Theo bà con nông dân tham gia mô hình thì đây là một gói kỹ thuật mới, bà con nông dân tham gia mô hình còn bỡ ngỡ, trước đây thường sử dụng 5 kg giống/sào và 8 kg đạm/ sào, nay chỉ sử dụng 2,5 kg giống và 4 kg đạm/ sào sợ rằng năng suất không đạt. Song được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật từ khâu ngâm ủ giống đến gieo sạ, chăm sóc, theo dõi sâu bệnh ... đến nay mô hình đã thành công và cho kết quả tốt.
Vừa qua, tại phường Tân Thạnh, Thành phố Tam Kỳ, Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp và PTNT phối hợp với địa phương tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá lại hiệu quả mô hình. Tại thời điểm hội thảo, lúa trong mô hình đang ở giai đoạn chín, chuẩn bị thu hoạch, nên năng suất thực thu ướt đạt 60 tạ/ha, cao hơn lúa đại trà 8 tạ/ ha. Hiệu quả kinh tế (tính cho 1 ha) như sau: Tổng chi phí giống, vật tư, phân bón, công lao động ... ruộng mô hình 16.000.000 đồng/ha, ruộng đối chứng 19.920.000 đồng/ha (giảm được 3.920.000 đồng/ha). Tổng thu ruộng mô hình 6.000 kg x 7.500 đồng/kg = 45.000.000 đồng/ha. Ruộng sản xuất đại trà 5.200 kg x 7.500 đồng/kg = 39.000.000 đồng/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu mô hình lãi 29.000.000 đồng/ha. Ruộng đối chứng lãi: 19.080.000 đồng/ha. Như vậy mô hình 3G, 3T lãi gấp 1,5 lần (29 triệu/ 19 triệu) so với sản xuất đại trà.
Sau khi tham quan đồng ruộng và thảo luận tại hội trường, tất cả các đại biểu và bà con nông dân tham gia hội thảo đều thống nhất và đánh giá cao kết quả của mô hình, cũng như khả năng nhân rộng của mô hình trong thời gian đến. Bên cạnh đó hiệu quả về mặc xã hội do mô hình đem lại cũng rất ý nghĩa, áp dụng gói kỹ thuật mới này giúp bà con nông dân tăng hiệu quả sản xuất như:
- Sản xuất lúa vừa giảm được chi phí đầu vào nhưng lại cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, lượng giống giảm được 2,5-3 kg/sào (bình quân 50kg/ha), nếu chúng ta tính cho diện tích lúa cả năm của thành phố Tam Kỳ sẽ giảm được >100 tấn giống tương đương 2 tỉ đồng mỗi năm.
- Sản phẩm sản xuất ra theo hướng đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn lương thực, thực phẩm.
- Là cơ sở để phát triển một nền nông nghiệp bền vững;
- Làm thay đổi đáng kể tập quán canh tác lâu đời của nông dân là sạ, cấy dày; góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân về kỹ thuật mới trong thâm canh tăng năng suất từ biện pháp kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, nghề nuôi cá mú ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) phát triển mạnh đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, có hộ thu nhập khá. Tuy nhiên, do người nuôi không tuân thủ lịch thời vụ, thả nuôi với mật độ quá dày, không thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi… đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi ngày càng trầm trọng và xảy ra dịch bệnh.

Nhằm giúp nông ngư dân nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật trong nghề ươm, nuôi cua biển trong ao vùng triều, năm 2012, Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã thực hiện mô hình ương cua bột lên cua giống, tại thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, với qui mô 200 mét vuông.

Vụ đông xuân và hè thu năm 2013, toàn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) xuống giống được 3.687ha hoa màu, trong đó nhiều nhất là khoai lang với diện tích 2.180ha, chiếm gần 60% diện tích hoa màu toàn huyện, cao hơn cùng kỳ năm 2012 là 136ha.

Năm 2012, diện tích nuôi tôm càng xanh toàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 1.285 ha, đạt 58 % kế hoạch, sản lượng hơn 1.600 tấn, năng suất trung bình 1,3 tấn/ha. Tập trung nhiều nhất ở các huyện: Tam Nông, Lấp Vò, Cao Lãnh và TX. Hồng Ngự. Hiện toàn tỉnh có 25 cơ sở sản xuất giống và 10 cơ sở ngoài tỉnh có đủ năng lực và điều kiện sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu khoảng 353 triệu tôm giống phục vụ người nuôi, chưa xảy ra hiện tượng thiếu hụt con giống.

Ở xã Phú Thành (Phú Tân - An Giang) nhiều hộ khá lên nhờ nuôi dê. Mô hình này đang được nhân rộng, góp phần giảm nghèo tại địa phương.