1 sào đậu tương = 3 sào lúa

Từng có một thời Hà Tây (cũ) nổi tiếng cả nước với phong trào đậu tương đông với diện tích lên đến vài chục ngàn ha.
Chưa có cây nào lại trồng và chăm bón dễ tính như đậu tương. Bà con nông dân chỉ cần làm đất qua loa thậm chí không làm đất, gieo vãi hạt lên trên đó, bón ít phân rồi phó mặc mọi thứ cho ông trời mà vẫn có thu hoạch 40 - 50 kg/sào.
Thế rồi theo thời gian diện tích đậu tương đông xẹp dần. Phần do điều kiện thời tiết thất thường hay gặp mưa lúc SX cũng như thu hoạch khiến cho tỷ lệ nảy mầm thấp, năng suất kém, thất thoát khi bảo quản nhiều. Phần do giá trị ngày công lao động mỗi lúc một tăng cao, cây đậu tương khó lòng còn sức cuốn hút.
Phần do giống đậu tương dùng trong vụ đông chủ yếu là nông dân tự để lại nên phẩm cấp thấp, thoái hóa nhiều, tỷ lệ nảy mầm kém (vì thời gian bảo quản dài) khiến cho năng suất giảm đi trông thấy.
Đứng trước thực trạng ấy, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã xây dựng mô hình SX đậu tương giống DT 84 vụ hè thu 2015 với diện tích 210 ha tập trung tại 5 HTX ở hai huyện Đan Phượng và Phúc Thọ nhằm tạo nguồn cung ứng giống đạt chuẩn cho SX vụ đông.
Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm cho hay cách làm này sẽ góp phần tạo nên những vùng SX đậu tương ổn định theo hướng chuyên canh và thúc đẩy phong trào đậu tương đông trên địa bàn Hà Nội phát triển bền vững.
Từ thành công đó, trong thời gian tới Sở NN-PTNT Hà Nội sẽ mở rộng SX nhằm chủ động hoàn toàn trong việc cung ứng đầy đủ giống cho diện tích đậu tương đông của mình, từng bước hình thành những vùng SX hàng hóa lớn.
Tham gia vào mô hình này, nông dân ở 5 HTX được hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư phân bón, thuốc BVTV cũng như được tập huấn kỹ thuật. Toàn bộ quá trình SX đều được kiểm định gắt gao bởi đội ngũ các nhà chuyên môn. Hiện tại, 100% diện tích đậu đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Điều bất ngờ là năng suất đậu tương ở vụ hè thu hoàn toàn áp đảo so với năng suất ở vụ đông, gấp đôi, thậm chí còn hơn thế nữa. Nếu như đậu tương đông năng suất trung bình chỉ 40 - 50 kg/sào thì đậu tương hè đạt 1 tạ/sào là điều nằm trong tầm bàn tay.
Ông Hoàng Việt Hồng, nông dân ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng cho biết, trồng đậu tương trong vụ hè thu có một số khó khăn như thời điểm gieo gặp mưa nên một số chỗ bị chết phải dặm, thời điểm ra hoa đậu quả cũng gặp mưa nên sâu bệnh phát triển mạnh, tuy nhiên vì chăm sóc kịp thời nên vẫn cho thu hoạch tốt.
Với năng suất bình quân 2,3 - 2,5 tấn/ha, cá biệt có HTX đạt xấp xỉ 3 tấn/ha nên tổng sản lượng đạt 480 - 485 tấn trong đó số đảm bảo đưa vào làm giống xác nhận là 410 - 415 tấn, đủ cung ứng cho 4.550 - 4.600 ha đậu tương đông năm 2015.
Chỉ trong thời gian canh tác rất ngắn, người nông dân có mức lãi ròng đạt 700.000 - 800.000đ/sào, gấp đôi, gấp ba lần trồng lúa.
Cái được về kinh tế đã đành, bà con còn không phải lo nghĩ về chất lượng giống cho vụ đông tức vụ đậu tương chính trong năm nữa.
Đặc biệt, với mô hình SX đậu tương giống DT 84 vụ hè thu năm nay, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tổ chức liên kết 4 nhà nhằm tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Đến nay, cơ bản số giống đã được doanh nghiệp và các địa phương đăng ký thu mua 100%.
Có thể bạn quan tâm

Cá chiên là loài cá hoang dã, sống ở các sông; cá có thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, loài cá này đang bị khai thác quá mức, dẫn đến ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, giá thành của cá chiên ngày một cao, có thời điểm dao động từ 370 – 430 nghìn đồng/kg. Xuất phát từ thực tiễn đó, một số hộ dân của xã Tân Thành, huyện Bắc Quang (nơi có dòng sông Lô chảy qua), đã mạnh dạn đầu tư các lồng bằng tre kiên cố để nuôi cá chiên trên sông.

Ngày 29/11, huyện Ngọc Hiển phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo mô hình nuôi cá mú trong ao đất tại xã Tân Ân.

Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng cá tra 11 tháng đầu năm ước đạt 852.000 tấn, tương ứng với diện tích nuôi thả khoảng 5.800 ha.

Nhiều hộ nuôi tôm ở xã Long Điền Đông sau khi nghe thông tin này đã đến Công an xã cung cấp thêm thông tin trong những lần bán tôm cho nhóm của ông Út

Bỏ ngoài tai những rủi ro về thời tiết khi nuôi tôm trái vụ, hàng trăm hộ nuôi tôm trong tỉnh đã phải trả giá đắt trong đợt lũ vừa qua. 35 ha tôm ở Đức Phổ, 26 ha ở Sơn Tịnh, 47 ha ở Tư Nghĩa… bị sạt lở, bồi lấp đã mang theo biết bao tiền của, mồ hôi, công sức của người nông dân.