1 Phải, 5 Giảm

Nhằm tăng hiệu quả SX lúa, giảm chi phí, từ vụ ĐX 2010 - 2011 Chi cục BVTV Ninh Thuận triển khai mô hình "1 phải, 5 giảm" tại xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. Đến nay người dân đã không ngừng mở rộng SX lúa theo mô hình này.
Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi về thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu khi người dân đã thu hoạch xong vụ lúa ĐX với năng suất cao chưa từng có. Cũng như các gia đình khác, vụ này hộ ông Lê Văn Kiên trồng 5 sào (1 sào 500 m2) giống lúa thuần giống LM202, thu hoạch được 2,2 tấn; tương đương với năng suất 8,8 tấn/ha. Bản thân ông Kiên cũng không ngờ năng suất lại cao đến vậy. Tất cả nhờ áp dụng mô hình "1 phải, 5 giảm".
Theo ông Kiên, từ khi Chi cục BVTV tỉnh xuống triển khai mô hình "1 phải, 5 giảm", người dân ái ngại bởi không biết kết quả như thế nào, vì cái gì cũng thấy giảm; nhất là lượng giống giảm hơn một nửa so với gieo sạ truyền thống. Sau khi được cán bộ kỹ thuật giải thích, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc; đồng thời được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV... nên họ mới an tâm tham gia.
Anh Nguyễn Như Hồng Triết, Phó chủ tịch UBND xã Phước Hậu cho biết: Khi bắt đầu triển khai, xã phải họp dân để thuyết phục mới vận động được 30 hộ thôn Trường Thọ tham gia SX 5 ha lúa theo mô hình "1 phải, 5 giảm". Kết quả vụ đó thật bất ngờ, năng suất bình quân đạt 8 - 8,5 tấn/ha, tăng 25 - 30% so với SX truyền thống. Năng suất tăng, lại giảm được 20 - 30% chi phí; trong khi đó lãi cao hơn từ 7 - 15 triệu đồng/ha so với SX truyền thống.
Đến vụ hè thu 2011, mô hình "1 phải, 5 giảm" tiếp tục được Chi cục BVTV triển khai trên quy mô 5 ha với 32 hộ tại thôn Trường Thọ tham gia và được hỗ trợ 100% giống, 30% chi phí vật tư… Và kết quả đều vượt ngoài mong đợi. Ông Phan Quang Thựu, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Ninh Thuận phấn khởi: Từ thành công của mô hình này, vụ ĐX 2011 - 2012 mặc dù không còn được hỗ trợ về giống, vật tư mà chỉ được hỗ trợ kỹ thuật, song 70 hộ dân thôn Trường Thọ đã SX lúa theo mô hình "1 phải, 5 giảm" với diện tích 30 ha, năng suất còn cao hơn các vụ trước.
Anh Phan Quang Thựa cho biết: Thực hiện kỹ thuật “1 phải, 5 giảm nghĩa là giảm lượng giống, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch. Nông dân thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật, nên mô hình đã đạt được kết quả rất tốt: Cây lúa khỏe, sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, giảm các chi phí SX...
Điển hình là hộ ông Bùi Văn Bảy, thôn Trường Thọ SX 5 sào, thu được 2,4 tấn lúa, chi phí giảm được gần 700 ngàn đồng. Ông Bảy nói: Khi thấy hiệu quả, dù Nhà nước không hỗ trợ chúng tôi vẫn làm, phương pháp SX mới này còn thân thiện với môi trường nhờ giảm lượng nước tưới và thuốc BVTV. Vụ hè thu tới tôi sẽ thuê thêm ruộng để mở rộng diện tích lúa theo mô hình.
Theo Chi cục BVTV Ninh Thuận, áp dụng mô hình "1 phải, 5 giảm", nông dân chỉ dùng lượng giống gieo từ 120 - 150 kg/ha so với tập quán (gieo từ 250-300 kg). Còn lượng phân bón, trên cơ sở bảng so màu lá lúa và quy trình, chủ yếu dùng các loại phân đơn, bón đầy đủ, cân đối, hợp lý đúng theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa nên giảm được 28 - 35 kg phân đạm/ha. Sử dụng thuốc BVTV theo phương pháp IPM. Tuyệt đối không thực hiện phun thuốc định kỳ, “phun ngừa” theo tập quán... nông dân đã giảm được 2 lần phun/vụ.
Còn đối với nước tưới thì sử dụng ống chia vạch để điều tiết lượng nước theo nhu cầu sinh trưởng từng giai đoạn của cây lúa nên mỗi ha giảm được 2.372 - 3.000 m3 nước/vụ. Khuyến cáo nông dân thu hoạch khi lúa đúng độ chín khoảng 85-90% bằng máy gặt đập liên hợp, phơi thóc trên sân phơi chuyên dùng, do vậy đã giảm được thất thoát gần 4% so với thu hoạch thủ công. Chi phí thấp, năng suất cao nên chênh lệch lãi cao hơn so với ruộng tập quán SX của nông dân từ 7 - 12 triệu đồng/ha.
Theo anh Nguyễn Như Hồng Triết, từ hiệu quả của mô hình, vụ hè thu năm nay, xã sẽ mở rộng SX 100 ha. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% giống, DN hỗ trợ giá phân bón, vật tư... Các DN giống bắt tay với bà con nông dân để SX giống lúa xác nhận.
Có thể bạn quan tâm

Cây mì là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo của huyện Krông Pa trong những năm qua. Bởi đây là loại cây trồng tương đối phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu tương đối khắc nghiệt, nhất là phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Những ngày cuối tháng 7-2014, ông Chiêm Thành Long, giám đốc khu du lịch Bình Quới (Bình Thạnh, TP.HCM), cùng đầu bếp của mình tìm đến tận vườn rau của Hợp tác xã (HTX) Tân Tiến (P.12, Đà Lạt) tận mắt chứng kiến đơn vị này sản xuất rau.

Năm 2014 là năm đầu tiên tỉnh phân cấp quản lý dạy nghề nông thôn về cho địa phương, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương chủ động trong việc quản lý, dạy nghề cho nông dân nhưng cũng là khó khăn cho địa phương vì chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện.

Có hai kiểu lồng nuôi phổ biến là lồng vuông bằng gỗ, sắt, quây lưới, thể tích 30 - 180 m 3 , được dùng nuôi ở vũng vịnh kín sóng gió; loại thứ hai là lồng nhựa chịu lực HDPE hình tròn (thể tích 300 m 3 trở lên), có thể nuôi được ở những vùng biển hở có sóng gió lớn. Cỡ mắt lưới dùng cho lồng nuôi tăng dần theo sự tăng trưởng của cá (a = 1,5 - 3 cm).

Làm thế nào để nâng thu nhập cho người nông dân trồng mía thông qua các giải pháp giảm chi phí sản xuất mía là chủ đề trọng tâm của Hội thảo quốc tế nông nghiệp lần thứ II do Thành Thành Công tổ chức ngày 14-7 tại TP. Hồ Chí Minh.