Người Nuôi Heo Treo Chuồng Vì Sợ Lỗ

Giá heo hơi cân tại chuồng tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương 45.000 đồng/kg, người nuôi có thể lãi 300.000 đồng con heo thịt 100 kg. Tuy giá heo tăng nhưng người chăn nuôi không dám tái đàn vì khó “định lượng” được giá cả thị trường nay mai.
Tại khu vực thị xã Dĩ An, huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), giá thương lái mua tại trại chăn nuôi vào ngày 11/10 dao động từ 43.000 - 45.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 9, cao hơn khoảng 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Quốc Huân, chủ trại nuôi heo ở Dĩ An cho biết, giá heo hơi nhích lên trong vòng ba tháng nay và có thể giá còn tăng thêm vì nhiều người không có heo để bán.
Bà Nguyễn Thị Tuấn, chủ trại heo ở xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết, giá heo hơi cân tại chuồng ở khu vực Định Quán hiện tại là 45.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 9. Với mức giá này, người nuôi heo có thể lãi khoảng 300.000 đồng/con (loại 100 kg/con).
“Theo thông lệ, khi giá heo tăng thì người nuôi gom vốn để gầy đàn. Năm nay ít người đầu tư vì giá heo giống lên cao và khan hiếm do heo nái mấy năm liền bị thua lỗ nên bị xẻ thịt khá nhiều, cộng với giá cám cứ liên tục tăng khiến cho nhiều người nản bỏ chuồng trống” - bà Tuấn chia sẻ.
Ông Tạ Hữu Ban, chủ trại heo ở Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai nhận định, do tổng đàn nuôi giảm và một phần xuất đi Trung Quốc làm cho giá heo hơi gần đây tăng lên. Theo kinh nghiệm, khi giá heo lên cùng với việc người chăn nuôi ít đầu tư, nhu cầu xuất heo đi Trung Quốc vẫn còn là cơ hội vàng để người chăn nuôi tăng đàn. Nhưng năm nay, sau nhiều mùa vụ chăn nuôi thất bát, người chăn nuôi lại không tính được thị trường khi xuất chuồng sau đó 3-4 tháng nên nhiều nơi buộc phải “treo chuồng” chuyển qua kinh doanh nghề khác.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, hiện tại con giống gia cầm và heo đang có dấu hiệu khan hiếm. Để ngành chăn nuôi gia cầm và heo ổn định, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, các cơ sở giống có giải pháp tăng cường hoạt động sản xuất đáp ứng nhu cầu giống trong chăn nuôi.
Tại Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM tình trạng người chăn nuôi heo không tái đàn hoặc giảm số lượng nuôi khiến các công ty chuyên cung cấp con giống cũng giảm mạnh “đầu ra”.
Đại diện Công ty Vissan cho biết, khoảng 2 tháng trước heo giống của Vissan còn không đủ cung cấp cho những đơn hàng đã đặt trước, mặc dù giá bán 100.000 đồng/kg (đối với loại giống 16-18 kg/con) nhưng hiện tại giá heo giống giảm xuống 80.000 đồng/kg nhưng sức mua vẫn giảm.
Theo tínhh toán của nhiều người chăn nuôi heo có kinh nghiệm tại khu vực miền Đông Nam bộ, tình trạng tái đàn giảm chắc chắn sẽ tác động đến nguồn cung thịt heo, thị trường sẽ khan hiếm và giá đội lên cao trong những tháng sắp tới, đặc biệt là thị trường Tết nguyên đán gần kề. Tuy vậy, ông Hoàng Văn Thanh, một người nuôi heo lâu năm ở quận 9, TP.HCM thì cho rằng, với những điều kiện như nêu trên là cơ hội cực tốt để ngành chăn nuôi heo kiếm lãi song với thời tiết bất kham như hiện nay, sức mua trên thị trường có xu hướng giảm, thực phẩm tươi sống nhập khẩu với giá rẻ ngày càng tăng sẽ làm cho người nuôi heo không chắc chắn việc kiếm lãi, thậm chí còn lỗ vốn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 9 ước tính đạt 348 triệu USD, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này 9 tháng đầu năm 2013 đạt 2,42 tỷ USD, tăng 39,2% so cùng kỳ năm trước. Trong năm 2012, Việt Nam tốn đến hơn 3 tỷ USD nhập khoảng 8 triệu tấn nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó các loại giàu đạm như bắp, đậu tương nhập 70-80%, riêng phụ gia các loại nhập khẩu gần như 100%. Do phần lớn nguyên liệu, phụ gia phải nhập khẩu khiến cho giá thức ăn gia súc ở Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á khoảng 20%, đây cũng là một nguyên nhân cơ bản khiến ngành chăn nuôi heo trong nước liên tục thua lỗ.
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu năm 2014 đến nay, sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc trở lại, đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài với các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi ngày càng nhiều hơn, giúp cho ngành gỗ ở Quảng Ngãi phục hồi sản xuất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, 1 ha quýt đường hiện cho thu nhập gấp nhiều lần so trồng điều hoặc cao su. Tuy nhiên, trồng quýt đường đòi hỏi có sự am hiểu về loại cây này. Trồng 1 ha, tiền đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc khoảng 30-40 triệu đồng.

Vừa qua, tàu vỏ composite câu cá ngừ đại dương của Công ty Yanmar (Nhật Bản) đặt hàng thử nghiệm cho ngư dân Việt Nam đã chính thức hạ thủy. Liệu đã đến lúc, tàu vỏ composite khẳng định vị thế.

Từ thực tế nhiều gia đình thiếu vốn, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, 22 hộ dân ở thôn 8 xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) đã thành lập Tổ giúp nhau phát triển kinh tế. Qua nhiều năm hoạt động, tổ thực sự đã là chỗ dựa tin cậy cho các tổ viên trong việc xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững trên chính mảnh đất của mình.

Vai trò của cây lúa lai trong việc tăng năng suất, sản lượng lúa và nhất là trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao giá trị xuất khẩu là rất quan trọng. Việc Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa lai của Tập đoàn Syngenta tại Nam Định đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu này.