Cá Rô Đầu Vuông Nhanh Lớn, Giá Cao

Cá rô đầu vuông là đối tượng nuôi có nhiều ưu điểm như kích thước lớn, nhanh to, chất lượng thịt thơm ngon, dễ thích nghi với môi trường nuôi. Đặc biệt, đây là loài thủy sản có tốc độ sinh trưởng nhanh, tạo điều kiện cho các hộ dân rút ngắn thời gian quay vòng vốn.
Nhận thấy đây là đối tượng nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm tại 4 điểm gồm thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Gio Linh và Triệu Phong, quy mô 0,8 ha với 8 hộ tham gia, số lượng cá giống thả nuôi là 12 vạn con, mật độ thả nuôi là 15 con/m2. Các hộ dân tham gia thực hiện mô hình nuôi cá rô đầu vuông được hỗ trợ 100% cá giống và 30% thức ăn, tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình hơn 186 triệu đồng.
Cùng chị Phan Mỹ Nhung, cán bộ kỹ thuật của Trạm KNKN Gio Linh, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá rô đầu vuông của anh Lê Văn Niềm, thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang. Chị Nhung cho biết: Mục tiêu của mô hình nuôi cá rô đầu vuông là thực hiện đúng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, ổn định thu nhập cho nông dân. Nhận thấy anh Niềm là người luôn tìm tòi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi nên Trung tâm KNKN đã chọn anh để thực hiện mô hình nuôi cá rô đầu vuông.
Anh Niềm cho biết: Khi được chọn thực hiện mô hình, bên cạnh được Trung tâm KNKN hỗ trợ 100% tiền cá giống và 30% tiền thức ăn cho cá, tôi còn được hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi. Với diện tích 1.000 m2 ao nuôi, tôi chọn thả 15.000 con cá giống và sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Ban đầu không ít người bảo tôi sẽ chẳng thu được gì vì cho rằng loài cá này nuôi không khéo khi trời mưa sẽ cằn đi hết. Tuy nhiên, tôi vẫn rất tự tin vì có cán bộ kỹ thuật chỉ bảo tận tình, đầu tư làm ao hồ bài bản nên mạnh dạn nuôi”.
Theo chị Nhung, mặc dù cá rô đầu vuông có khả năng chịu đựng điều kiện khắc nghiệt của môi trường nhưng việc cải tạo ao nuôi cũng phải hết sức cẩn thận. Ao phải chắc chắn, bờ ao phải thông thoáng, xung quanh ao nên rào lưới hoặc lát bê-tông để ngăn không cho cá thoát ra ngoài. Hình dáng cá rô đầu vuông giống như cá rô đồng bình thường nhưng khi cá có kích thước lớn, đầu cá có hình hơi vuông, thân dài có hai chấm đen ở gần đuôi và mang cá.
Cá rô đầu vuông có đặc tính sinh học tương tự như cá rô đồng, nguồn thức ăn cho cá khá đa dạng và phong phú, cá có thể ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, thức ăn tươi sống như cá tạp, tôm tép... các loại phế phụ phẩm nông nghiệp như bột ngô, bột cám... tuỳ điều kiện của mỗi hộ gia đình mà lựa chọn nguồn thức ăn cho phù hợp.
Trong quá trình quản lý và chăm sóc, người nuôi phải đặc biệt quan tâm đến môi trường sao cho phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cá mới mang lại kết quả cao. Ưu điểm vượt trội của cá rô đầu vuông là lớn rất nhanh, con đực và con cái có kích thước như nhau.
Cá rô đầu vuông rút ngắn thời gian nuôi còn 3 - 4 tháng so với cá rô đồng hay các đối tượng nuôi truyền thống khác như mè, trôi, trắm chép, rô phi đơn tính... phải nuôi từ 5 tháng đến 1 năm mới cho thu hoạch, qua đó giảm chi phí đầu tư. Nuôi cá rô đầu vuông bình quân 1 tấn cá cho ăn từ 1,3 đến 1,5 tấn thức ăn, trong khi cá rô đồng phải cho ăn từ 1,7 đến 2 tấn thức ăn.
Tại mô hình nuôi cá rô đầu vuông đang thực hiện tại hộ anh Niềm, sau 3 tháng nuôi cá đạt kích cỡ 4 - 5 con/kg, dự kiến cho thu hoạch hơn 2,2 tấn cá. Với giá bán hiện nay dao động từ 40.000 - 45.000 đ/kg dự kiến sẽ mang lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm KNKN cho biết: Qua đánh giá bước đầu thì bên cạnh mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình nuôi cá rô đầu vuông đã bước đầu khẳng định được tính thích nghi. Mặc dù chi phí thức ăn, phòng bệnh và cá giống trên cùng một đơn vị diện tích có lớn hơn so với các đối tượng nuôi khác, nhưng thời gian nuôi ngắn hơn (3 - 4 tháng), năng suất, giá bán thị trường cũng cao hơn. Do đó, doanh thu từ nuôi cá rô đầu vuông có thể tăng lên so với các đối tượng nuôi khác. Đây là mô hình nuôi mới, bước đầu đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác của bà con nông dân trong tỉnh.
Việc tiêu thụ trên thị trường hiện cũng khá thuận lợi nên nuôi cá rô đầu vuông đang được bà con đón nhận rất hồ hởi. Với những ưu điểm vượt trội về thời gian nuôi, tốc độ lớn nhanh, trọng lượng lớn, có thể nói cá rô đầu vuông sẽ là một đối tượng nuôi mới có hiệu quả cao cho người nuôi. Trong thời gian tới Trung tâm KNKN sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Tỉnh Sơn La hiện có 2 lòng hồ thủy điện Hoà Bình và Sơn La, có hệ sinh vật thủy sản rất đa dạng phong phú. Theo kết quả điều tra khu hệ cá hồ thủy điện Hoà Bình có 123 loài cá thuộc 79 giống, 19 họ và khoảng 16 loài động vật đáy, được chia thành 3 dòng cơ bản: cá nhập nội, cá đồng bằng Bắc Bộ và các loài thuỷ sản đặc trưng cho miền núi Tây Bắc.

Mặc dù việc cho vay theo chuổi sản xuất thủy sản đã được các tổ chức tín dụng quan tâm, thực hiện nhưng hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn, quy định nào tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) thủy san có một cơ chế vay phù hợp với đặc điểm của ngành. Từ thực tế này, đòi hỏi phải xây dựng một cơ chế phù hợp với đặc điểm của ngành thủy sản để tạo điều kiện cho cả DN và ngành ngân hàng (NH) có cơ chế vay và cho vay phù hợp.

Vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng đang đứng trước nhiều khó khăn do diễn biến của bệnh, dịch bệnh trên tôm có dấu hiệu bộc phát trong giai đoạn đầu mùa mưa. Hiện nay ở thị xã Vĩnh Châu mức độ thiệt hại lên đến hơn 46%, có nhiều vùng nuôi mức độ thiệt hại chiếm rất cao, gây thiệt hại nặng cho nông dân.

Bộ NNPTNT vừa chỉ đạo Công ty TNHH Tân An xuất không thu tiền 30 tấn hóa chất sát trùng Chlorine để hỗ trợ tỉnh Kiên Giang phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.

Đầu năm 2013, từ nguồn vốn Qũy hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã Phước Ninh (Thuận Nam, Ninh Thuận) đã triển khai Chương trình “Nuôi bò vỗ béo” cho nông dân thôn Thiện Đức. Sau hơn một năm thực hiện, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập cao, góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều hộ nông dân còn khó khăn.